Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa kết thúc, ông Barack Obama có thêm 4 năm cầm quyền và tiếp tục đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn, khi mức tăng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ cuộc suy thoái năm 2007-09 có thể sẽ không vượt quá 2% năm nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 7,9%, với 23 triệu người không có việc làm. Nhiệm vụ đầu tiên của ông Obama khi bắt đầu nhiệm kỳ mới chính là loại bỏ nguy cơ suy thoái của nền kinh tế do tác động từ cái được gọi là "vách đá tài chính", tức việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế (tự động) trị giá 600 tỷ USD vào đầu năm tới.
Tổng thống Obama sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN.
|
Vào ngày 31/12, các quy định về thuế được áp dụng từ thời cựu Tổng thống George Bush sẽ hết hiệu lực và nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận về vấn đề này, các mức thuế sẽ bắt đầu tăng từ đầu năm 2013.
Trong khi đó, trong thỏa thuận về nâng trần nợ Liên bang vào năm ngoái, ông Obama và Quốc hội Mỹ đã nhất trí cắt giảm ngân sách 1,2 nghìn tỷ USD nếu các nghị sỹ không đạt được thỏa thuận vào ngày 2/1. Về vấn đề nợ công, nợ của Mỹ có thể chạm mức trần 16,4 nghìn tỷ USD sau bầu cử và trước cuối năm nay.
Nhiệm vụ trên cần được tiến hành song song với việc đạt được thỏa thuận nhằm củng cố ngân sách về dài hạn, một nhiệm vụ hết sức khó khăn do sự chia rẽ giữa hai đảng trong Quốc hội. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã không thể thu hẹp những bất đồng về các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách và điều này cũng sẽ không dễ dàng hơn với ông trong nhiệm kỳ thứ hai này.
Ông kêu gọi giảm thâm hụt ngân sách hơn 4 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới, thông qua việc tăng thuế đánh vào người giàu và cắt giảm ngân sách quốc phòng - hai đề xuất mà đảng Cộng hòa không tán thành. Một số nhà kinh tế cho rằng việc thực thi đầy đủ kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông Obama sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2013, do đó giải pháp có thể sẽ là một hình thức giảm thuế nào đó đối với các hộ gia đình để giảm bớt tác động này.
Mặt khác, ngay cả khi ông Obama có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề thâm hụt ngân sách với Quốc hội, điều này cũng chỉ giúp làm tăng 1/10 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế, khi không giải quyết được vấn đề đang kìm giữ đà phục hồi của nền kinh tế là một lượng lớn của cải đã bị mất đi trong giai đoạn suy thoái. Giá trị tài sản của các gia đình trung lưu ở Mỹ đã giảm kỷ lục là % trong giai đoạn 2007-2010, khi giá nhà rớt thê thảm.
Thêm vào đó, nhiều việc làm bị mất trong giai đoạn khủng hoảng, nhất là trong ngành xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến thị trường bất động sản như tài chính, có thể không được khôi phục. Đồng thời, kể cả khi vững mạnh hơn, kinh tế Mỹ cũng sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn để hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 7%.
Ông Obama có kế hoạch tăng cường hoạt động chế tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, nâng cao chất lượng đào tạo và giảm sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ nhập khẩu. Ông đặt mục tiêu tạo thêm 1 triệu việc làm mới trong lĩnh vực chế tạo vào năm 2016 và hơn 600 nghìn việc làm trong lĩnh vực khí đốt cũng như tuyển dụng 100 nghìn giáo viên khoa học và toán.
Về những tác động bên ngoài, kinh tế Mỹ cũng đang hứng chịu tác động từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và nhu cầu của Trung Quốc giảm, khiến xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi lĩnh vực này đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế Mỹ kể từ khi suy thoái kết thúc. Đây sẽ là một thách thức không dễ giải quyết đối với ông Obama khi kinh tế toàn cầu đang thiếu động cơ tăng trưởng đủ mạnh.
TTXVN/ Tin Tức