Theo báo “Bưu điện quốc gia” (Canađa) ngày 4/6, trong lúc Ápganixtan đang đối mặt với đợt tấn công mùa hè dữ dội của Taliban, Mỹ và các đồng minh đang ve vãn Taliban để thương thuyết một kết cục cho cuộc chiến đã kéo dài 10 năm này.
Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Roberts Gates (trái) trong cuộc gặp tại Cabun. AFP-TTXVN |
Có tin Mỹ và Anh đang gây sức ép, đòi LHQ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với 18 thủ lĩnh cao cấp của Taliban để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hòa đàm. Trong hai tháng qua, các nhà ngoại giao Mỹ đã tổ chức ít nhất ba cuộc đàm phán trực tiếp với một người phát ngôn cao cấp của Taliban tại Đức và Cata. Đức đang chuẩn bị đăng cai một hội nghị quốc tế lớn về hòa bình tại Ápganixtan vào tháng 12 tới, có thể có sự tham gia của một phái đoàn Taliban. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Hồi giáo duy nhất của NATO và không có quân tại Ápganixtan, cũng dự kiến cho Taliban đặt một văn phòng chính trị mới và có thể đóng vai trò trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hòa đàm. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn trước khi về hưu trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng Taliban có thể muốn tham gia các cuộc đàm phán chính thức nhằm mang lại hòa bình cho Ápganixtan vào cuối năm nay.
Trong nhiều tháng qua, những tiếp xúc bí mật với Taliban và những nỗ lực nhằm bắt đầu “các cuộc đàm phán về đàm phán” đang tạo ra bối cảnh cho một chiến dịch chống nổi dậy do Mỹ lãnh đạo tại Ápganixtan. Hiện nay, Mỹ đang theo đuổi các biện pháp ngoại giao một cách nghiêm túc khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị công bố chi tiết việc rút quân Mỹ trước thời hạn tự đưa ra vào ngày 1/7/2011. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn một đề xuất sửa đổi ngân sách hàng năm của Lầu Năm Góc. Sửa đổi này thúc giục ông Obama vạch ra các kế hoạch đẩy nhanh việc rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan, trong khi theo đuổi một giải pháp thương thuyết với “tất cả các bên liên quan”.
Theo ông Ahmed Rashid, một chuyên gia về Taliban, người ta ngày càng công nhận rằng cuộc chiến tại Ápganixtan sẽ phải có một giải pháp chính trị, chứ không phải một giải pháp quân sự. Các đồng minh NATO của Mỹ, kể cả Canađa, đang dần rút khỏi vai trò chiến đấu và muốn chuyển công việc này cho một quân đội Ápganixtan mới được huấn luyện và trang bị vào năm 2014. Nhưng ý tưởng chuyển giao quyền lực có trật tự cho một chính phủ Ápganixtan tham nhũng là vô lý. Sự chuyển giao quyền lực phải là một phần của một giải pháp chính trị, có nghĩa là nói tới Taliban. Lực lượng quốc tế không thể rút khỏi Ápganixtan nếu các bên chưa đạt được một giải pháp chính trị, nếu không Ápganixtan sẽ rơi vào nội chiến.
Đặc phái viên về Ápganixtan - Pakixtan của Mỹ Richard Holbrooke đã vạch ra một cơ cấu khung cho các cuộc thương thuyết với Taliban trước khi ông ta chết hồi tháng 12/2010. Người thay thế ông Holbrooke là Marc Grossman, cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đang thúc đẩy việc thực hiện sáng kiến này. Nhưng bất chấp 10 năm chiến tranh, Oasinhtơn vẫn chưa biết rõ ai trong số các thủ lĩnh Taliban đáng để họ thương thuyết. Những quan hệ lịch sử của Pakixtan với Taliban khiến Ixlamabát trở thành một đối tác quan trọng trong bất kỳ cuộc hòa đàm nào. Nhưng quan hệ Mỹ-Pakixtan đang sa sút ở mức nguy hiểm sau vụ Mỹ đột kích tiêu diệt Bin Laden tại Pakixtan.
Cho dù các nhà ngoại giao Mỹ có thể đưa những phái nổi dậy tại Ápganixtan ngồi vào bàn thương thuyết, các cuộc hòa đàm vẫn có thể thất bại do những bất đồng trong nội bộ những kẻ nổi dậy. Không có gì đảm bảo rằng thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed và Hội đồng Quetta Shura của ông ta có thể kiểm soát thế hệ các thủ lĩnh nổi dậy trẻ hơn, hung hăng hơn. Các nhóm khác trong cuộc nổi dậy như mạng lưới Haqqani do những người Pashtun chi phối và Hezb-e-Islami do Gulbuddin Hekmatyar lãnh đạo lâu nay vẫn hoạt động độc lập với Taliban.
Đến khi các cuộc đàm phán bắt đầu, những vấn đề này có thể vẫn chưa thể giải quyết. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề liên quan đến vai trò của Taliban trong chính phủ; vai trò của luật Hồi giáo trong xã hội và hệ thống pháp lý; quyền của phụ nữ; việc sáp nhập những kẻ nổi dậy Taliban vào các lực lượng an ninh Ápganixtan; việc cắt đứt các quan hệ với al-Qaeda; và việc rút các lực lượng nước ngoài.
Trên tất cả, hòa bình tại Ápganixtan sẽ đòi hỏi một loạt thỏa thuận khu vực có liên quan đến Ấn Độ, Pakixtan, Iran, Nga, Udơbêkixtan, Tuốcmênixtan, Tátgikixtan và Trung Quốc, cũng như Mỹ và NATO.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)