NATO tuyên bố rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ được “chào đón với vòng tay rộng mở”, trong khi Tổng thư ký Jens Stoltenberg cam kết quá trình gia nhập của họ sẽ “diễn ra nhanh chóng”.
Tuy nhiên, theo trang tin châu âu Euractiv.com ngày 15/5, con đường gia nhập NATO của hai nước trên vẫn có thể gặp trở ngại, bất chấp các qui trình nội bộ của các nước xin gia nhập và NATO đang được đẩy nhanh.
Thứ nhất, câu hỏi lớn đặt ra là Nga sẽ phản ứng như thế nào trên thực tế, vì Moskva đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Rất có thể, Moskva sẽ có hành động ngăn chặn tiến trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, hoặc triển khai lực lượng gần biên giới của họ trong tương lai. Thật thiếu thực tế nếu cho rằng việc các nước này gia nhập NATO sẽ diễn ra dễ dàng”, Đại tá Andrus Merilo, chỉ huy Lữ đoàn bộ binh đầu tiên của Estonia tại căn cứ chiến đấu của NATO, nói.
Nhưng một số nhà phân tích quân sự cho rằng Nga có thể không tấn công Phần Lan hoặc Thụy Điển nếu họ xin gia nhập NATO. Điều này một phần là do Moskva dường như không còn đủ nguồn lực ở thời điểm hiện tại, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trở ngại lớn hơn là vấn đề mang tính chính trị vì bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập NATO đều cần sự ủng hộ của các thành viên hiện tại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan đã gây bất ngờ cho các thành viên NATO và hai nước Bắc Âu hôm 13/5 khi nói rằng Ankara không có "quan điểm tích cực" về tham vọng gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, cáo buộc các nước Bắc Âu này "chứa chấp khủng bố".
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn "đóng cửa NATO" với hai nước trên. “Chúng tôi không đóng cửa. Nhưng về cơ bản chúng tôi đang nêu vấn đề này như một vấn đề an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”, Ibrahim Kalin, Cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm.
Tuy nhiên, có thể trở ngại này chỉ là tạm thời và vấn đề thực sự có liên quan đến việc mua vũ khí của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt. Hồi tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 máy bay chiến đấu F-16 do Lockheed Martin sản xuất và gần 80 thiết bị hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của họ, điều mà Washington cho đến nay vẫn chưa đáp ứng.
Việc bán vũ khí của Mỹ cho đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi sau khi Ankara mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 do Nga sản xuất, dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Một nguồn tin trong NATO cho biết nếu rào cản bán hàng của Mỹ được dỡ bỏ, gần như chắc chắn quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, không có quốc gia thành viên nào khác bày tỏ phản đối việc mở rộng NATO. Tuy nhiên, những ràng buộc về mặt lập pháp có thể là rào cản tiếp theo vì tất cả 30 quốc hội nước thành viên phải tranh luận và bỏ phiếu về vấn đề này và sau đó phê chuẩn đơn đăng ký tham gia của họ.
Yêu cầu đồng thuận có nghĩa là chỉ cần "một phiếu không" duy nhất cũng có thể cản trở toàn bộ quá trình gia nhập NATO, một điều kiện tương tự như phương pháp mở rộng EU, nhưng dài hơn và phức tạp hơn nhiều.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết trên bình diện kỹ thuật, trở ngại nào cũng khó giải quyết khi cả hai nước đều tham gia, nhưng kỳ vọng cả hai nước có thể tham gia vào cuối năm nay.