Những vấn đề hóc búa trong Hội nghị bộ trưởng TPP

Đài NHK đêm 30/9 dẫn lời ông Amari Akira, Bộ trưởng phụ trách đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Nhật Bản cho biết có ba vấn đề được cho là khó có thể đạt được thỏa thuận tại Hội nghị bộ trưởng TPP lần này.


 Bộ trưởng phụ trách chính sách Tài khóa và Kinh tế Nhật Bản Akira Amari (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman (giữa) tại cuộc họp báo sau đàm phán về TPP ở Hawaii ngày 31/7. Ảnh: THX/TTXVN

Một là thời hạn của việc bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm sản xuất bằng công nghệ sinh học. Thứ hai là việc New Zealand yêu cầu các nước thành viên TPP nhập khẩu thêm các sản phẩm từ sữa. Thứ ba, để được miễn thuế quan thì các xe ô tô cần phải sử dụng bao nhiêu phần trăm các phụ tùng ô tô do các nước thành viên sản xuất. Đây là vấn đề một số nước trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Canada, và Mexico đang tranh cãi.

Theo đài trên, sau hơn 5 năm thương thảo, các cuộc đàm phán TPP đang ở giai đoạn cuối. Những vấn đề còn tồn đọng rất quan trọng với các nước liên quan, vì vậy thỏa hiệp rất khó khăn. Ví dụ, với dược phẩm sản xuất bằng công nghệ sinh học, Mỹ muốn thời hạn bảo vệ bằng sáng chế càng lâu càng tốt để bảo vệ lợi nhuận của các công ty dược phẩm của họ. Nhưng Chính phủ Australia, New Zealand và các nước khác phải đối mặt với sự phản đối dữ dội trong nước nếu quy định thời hạn đó dài. Những người phản đối muốn sử dụng thuốc gốc một cách dễ dàng hơn.

Với yêu cầu phải sử dụng linh kiện ô tô sản xuất trong nội bộ các nước TPP, Nhật Bản có một số lo ngại vì các hãng xe hơi của Nhật có nhà máy tại Thái Lan và một số nước có nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á, vốn chưa tham gia TPP. Một số hãng sử dụng linh kiện sản xuất ở những nhà máy trên. Nếu yêu cầu sử dụng linh kiện sản xuất tại các nước thành viên TPP bị đặt ở mức quá cao, ô tô Nhật Bản sẽ không đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ TPP. Vì vậy, Nhật Bản hy vọng hạ yêu cầu đó xuống một mức nhất định.

Trong cuộc gặp tại New York ngày 29/9, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí hai nước sẽ hợp tác để hoàn tất cuộc đàm phán về TPP trong tuần này. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một lợi ích TPP mang đến cho Nhật Bản là tiếp thêm sinh khí cho nền kinh tế, trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng dân số già hoá và tỷ lệ sinh sụt giảm. Nhật Bản cần bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhật Bản cũng cần cho thấy việc sẵn sàng nhượng bộ lớn. Với những vấn đề các nước đang còn bất đồng, Nhật Bản nên đóng vai trò trung gian hoà giải và dẫn dắt các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình và những tiếng nói phản đối TPP xuất hiện ngày một nhiều ở Canada. Biểu tình đã nổ ra ở một số tỉnh bang của Canada, nhất là tại những nơi có các ngành sản xuất được cho là sẽ chịu tác động nặng nề nhất như chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa và phụ tùng ô tô. Những người biểu tình lo ngại việc tham gia TPP sẽ bóp nghẹt hệ thống quản lý nguồn cung và dỡ bỏ thuế quan, vốn là những rào cản bảo vệ ngành công nghiệp, như sữa, Canada trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ nước ngoài. Trước đó, trong các cuộc đàm phán TPP, Mỹ và New Zealand muốn Canada phải cắt giảm thuế đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu với lý do đây là mức thuế cao nhất trong số các nước tham gia đàm phán TPP.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô Canada, nhất là đối với các nhà sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô, cũng phản đối mạnh mẽ TPP do lo ngại những tác động của việc nới lỏng quy định về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Canada cho rằng TPP sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nhà sản xuất Nhật Bản khi họ có thể dễ dàng xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ những sản phẩm ít sử dụng các linh kiện sản xuất tại Canada.

Các báo cáo về kết quả các cuộc đàm phán cấp chuyên viên cho thấy rất khó để các nước thành viên đạt được thỏa thuận chung tại Hội nghị bộ trưởng TPP lần này.

TTK
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Mỹ
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Mỹ

Ngày 30/9 (rạng sáng 1/10 theo giờ Hà Nội), Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại thành phố Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia ở Đông Nam nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN