Nhân viên tình nguyện chờ đón chuyến tàu đặc biệt chở hàng trăm người di cư tới Frankfurt am Main, miền tây nước Đức ngày 5/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Nước Đức đang trở thành điểm đến số 1 của dòng người tị nạn, đặc biệt là từ Syria. Vậy đằng sau sự lựa chọn này là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, báo chí Đức đưa ra một số nguyên nhân sau đây:
Đầu tiên, Đức là nước có một chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người tị nạn Syria. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Đức tiếp nhận đến 44.000 người tị nạn Syria và trong số đó, theo thông báo của Bộ Nội vụ Đức, số người bị trục xuất khỏi Đức mới chỉ là 131 người.
Một lý do khác là qua những lời truyền miệng đồn thổi từ các đường dây buôn người, nhiều người tị nạn Syria hiểu sai rằng trong năm nay nước Đức sẽ đồng ý tiếp nhận 800.000 người tị nạn đến từ nước này. Trên thực tế, Đức chỉ đưa ra một dự báo rằng trong năm nay số người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến nước này sẽ là khoảng 800.000 người.
Chính sách cởi mở của Đức đối với người tị nạn Syria cũng làm cho những người tị nạn gần như có một niềm tin đặc biệt vào nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Khi đặt chân được đến lãnh thổ của các nước Shengen, ví dụ như Hy Lạp, Italy hay Hungary, những người tị nạn tin rằng, chỉ có bà Merkel mới là “lãnh tụ tinh thần“ của châu Âu.
Người dân Đức chuẩn bị hàng trăm túi thực phẩm chờ chuyến tàu đặc biệt chở hàng trăm người di cư tới Frankfurt am Main. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người tị nạn cũng được truyền tai nhau rằng chỉ nước Đức mới có một “văn hóa chào đón" chứ không phải là một nước nào khác ở khu vực. Những hình ảnh người tị nạn được chào đón tại nhà ga trung tâm Munich những ngày đầu tháng 9 vừa qua với kẹo ngọt và bóng bay càng làm niềm tin này của người tị nạn được củng cố, mặc dù trên thực tế hàng loạt trung tâm cứu trợ người tị nạn tại Đức thời gian qua đã bị tấn công bởi những đối tượng quá khích.
Một thực tế khác là tỷ lệ đơn xin tị nạn của người Syria tại Đức cao hơn nhiều so với các nước khác. Trong năm 2013, theo thống kê của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, tỷ lệ này lên tới 95% trong khi ở Áo tỉ lệ này chỉ là 46%.
Về mặt phúc lợi xã hội, người tị nạn tại Đức cũng được nhận nhiều ưu đãi hơn nhiều so với các nước khác. Một người xin tị nạn tại Đức, trong thời gian chờ xử lý đơn sẽ được cho ăn, ở, quần áo miễn phí ở các trung tâm tiếp nhận lần đầu cộng với 143 euro tiền tiêu vặt hàng tháng. Đây là một con số trong mơ đối với những người tị nạn khi ở quê hương, cuộc sống của họ luôn bị đe dọa bởi chiến tranh và xung đột, bản thân đa số không có việc làm và ăn uống còn khó đảm bảo chứ chưa nói tới việc được cung cấp các điều kiện sống cơ bản cộng thêm một khoảng tiêu vặt. Tại Áo, người đang xin tị nạn chỉ nhận được tiền tiêu vặt hàng tháng là 40 euro.
Đức cũng tạo điều kiện cho người tị nạn tìm kiếm việc làm hơn khi chỉ sau 3 tháng được tiếp nhận đơn, người tị nạn có thể tìm kiếm việc làm hợp pháp và định kỳ hàng tháng hiện diện tại trung tâm cứu trợ để phục vụ công tác quản lý của chính quyền. Tại các nước châu Âu khác hầu hết không có điều này hoặc nếu có thì điều kiện để được gia nhập thị trường lao động rất phức tạp. Tại Áo, theo báo chí nước này, trong số 50.000 người đệ đơn xin tị nạn, chỉ có 200 người được cấp giấy phép lao động.
Tất cả những nguyên nhân kể trên có thể giải thích cho việc tại sao Đức đang trở thành đích đến lý tưởng của dòng người tị nạn khổng lồ hiện nay.