Nỗ lực cứu Thỏa thuận kinh tế và thương mại EU-Canada

Hiện vẫn còn thời gian để cứu vớt thỏa thuận tự do kinh tế và thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA).

Lãnh đạo vùng Wallonia Paul Magnette (giữa) trong phiên họp của Nghị viện vùng ở Namur ngày 14/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần qua, Cơ quan lập pháp của vùng Wallonie và của Cộng động Pháp ngữ tại Bỉ đã bỏ phiếu từ chối trao quyền cho Chính phủ liên bang của Bỉ ký Thỏa thuận tự do kinh tế và thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA). Tuy nhiên đó chưa phải là dấu chấm hết cho thỏa thuận.

Hiện vẫn còn thời gian để cứu vớt thỏa thuận CETA. Ngày 17/10, các lãnh đạo của chính phủ liên bang phụ trách vấn đề CETA và các chính phủ vùng sẽ nhóm họp nhằm đưa ra quan điểm cuối cùng của Bỉ.

Ngày 18/10, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước thành viên châu Âu dự kiến triệu tập cuộc họp bất thường và nhiều quyết định quan trọng liên quan đến số phận của CETA sẽ được đưa ra tại đây.

Các cuộc tiếp xúc con thoi


Tuy cơ quan lập pháp vùng Wallonie và Cộng đồng nói tiếng Pháp đã bỏ phiểu phản đối CETA, nhưng quyết định chính thức cuối cùng thuộc về các chính phủ cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này, bao gồm 6 bên : nhà nước liên bang, vùng Flander, vùng Wallonie, vùng thủ đô Brussels, cộng đồng tiếng Đức và cộng đồng tiếng Pháp. Hiện các cuộc tiếp xúc đang gấp rút diễn ra giữa các chính phủ tại Bỉ cũng như giữa các thủ đô các nước châu Âu từ nay đến 18/10. Bộ trưởng-thủ hiến vùng Wallonie, Paul Magnette đã đến tham vấn Tổng thống Pháp François Hollande ngay sau khi cơ quan lập pháp vùng Wallonie bỏ phiểu phản đối CETA và quan điểm của Pháp là ủng hộ CETA. Một phái viên của chính phủ Canada cũng vội vàng sang Paris để nắm tình hình.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết vấn đề đàm phán lại là không thể. Việc đàm phán đã hoàn tất và không có lý do gì để xóa bỏ kết quả của bảy năm đàm phán. Nếu tiến hành đàm phán lại theo nguyện vọng của vùng Wallonie thì liệu những nước khác có yêu cầu điều tương tự? Các nước khác cũng có vấn đề và nếu cứ như vậy thì khi nào mới kết thúc. Nhà ngoại giao nhấn mạnh cần thực hiện các nỗ lực cuối cùng để vượt qua trở ngại vì sự được mất là rất lớn. Đây không chỉ là phạm vi làm ăn thương mại mà còn là quan hệ ngoại giao.

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào hai ngày 20-21/10 sẽ bàn thảo về chính sách thương mại của châu Âu. Trong dự kiến chương trình, CETA trở thành một trong những trọng tâm. EU sẽ quyết tâm theo đuổi thỏa thuận tự do kinh tế và thương mại với Canada vì nó rất quan trọng. EU đang có một chút vấn đề ở nước Bỉ và điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc bàn thảo. Việc thỏa thuận bị cản trở đã gây rắc rối nghiêm trọng cho mục tiêu về một chính sách thương mại chung của EU.

Hệ lụy khi "tất cả cùng ký"


Một trong những thẩm quyền từ lâu nghiễm nhiên được áp dụng ở Liên minh châu Âu đó là trao quyền cho Ủy ban châu Âu đại diện cho tất cả các nước thành viên đảm nhiệm các cuộc đàm phán thương mại. Như vậy CETA phải được coi như một thỏa thuận thuộc thẩm quyền EU. Tuy nhiên mùa hè qua, chính các nước thành viên yêu cầu thỏa thuận phải mang tính hỗn hợp, thẩm quyền phải được chia đều giữa châu Âu và các nước thành viên. Ủy ban châu Âu đã thuận theo đòi hỏi của đa số thành viên, trong đó có các nước có trọng lượng lớn là Pháp, Đức và cả Bỉ nữa. Cơ quan hành pháp châu Âu đã chơi trò đánh cược để làm dịu các chỉ trích bằng cách đề xuất thỏa thuận hỗn hợp, tiếp theo sẽ áp dụng tạm thời thỏa thuận và cuối cùng Nghị viện các nước mới phê chuẩn. Tuy nhiên, cuối cùng đến giờ mọi việc "vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Kim Chung (P/v TTXVN tại Brussels)
Bỉ - mắt xích cuối cùng để ký kết CETA
Bỉ - mắt xích cuối cùng để ký kết CETA

Tuần này là thời điểm quyết định đối với Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện giữa EU với Canada (CETA) khi các quyết định của Bỉ sẽ phải được đưa ra một cách rõ ràng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN