Năm 2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố sự dịch chuyển về hướng Đông trong chiến lược toàn cầu của nước này. Chiến lược "trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương" này không chỉ xuất phát từ mối đe dọa an ninh qua sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn xuất phát từ nhu cầu muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh tốn kém, lâu dài của người Mỹ với Trung Đông. Trung Đông từ lâu vẫn đem đến cho Mỹ những thách thức to lớn, những thách thức này cuối cùng đã làm suy yếu cả sức mạnh Mỹ, làm mất đi sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Mỹ vẫn còn khả năng và sẵn sàng thúc đẩy sức mạnh toàn cầu của mình hay không. Ở góc độ nào đó, châu Á cũng có vị trí địa chiến lược không kém gì Trung Đông, vì vậy khi thực hiện chính sách "trở lại châu Á" sẽ đòi hỏi Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông.
Khu vực Trung Đông trên bản đồ thế giới.
|
Trước hết, ở một khu vực với nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ và các cặp cựu thù đối địch nhau như châu Á, Mỹ đang đối mặt với môi trường địa chính trị phức tạp nhưng lại không có một cấu trúc an ninh cũng như cơ cấu giải quyết xung đột nào. Sự chia rẽ tại bán đảo Triều Tiên, cuộc tranh chấp khu vực Kashmir giữa Ấn Độ-Pakistan..., dường như mức độ khó trong việc giải quyết vấn đề cũng chẳng kém gì cuộc xung đột Israel-Palestin ở Trung Đông.
Thêm vào đó, cũng giống Trung Đông, châu Á đang là nơi diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang không kiểm soát. Bốn trong 10 cường quốc quân sự lớn nhất thế giới thuộc về châu Á và 5 quốc gia châu Á có sức mạnh vũ khí hạt nhân.
Chính sách hướng về châu Á của Mỹ diễn ra vào thời điểm uy tín quốc tế của cường quốc này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bế tắc chính trị trong nước và yếu kém trong giải quyết các vấn đề ở Trung Đông. Quyết định không sử dụng vũ lực tại Syria của Mỹ đã khiến nhiều nước châu Á nghi ngờ về việc có nên tiếp tục dựa vào Mỹ hay không.
Cũng giống như Trung Đông, các mối quan hệ quân sự song phương của Mỹ ở châu Á thường bị chi phối bởi sự lẫn lộn giữa bạn và thù. Các quốc gia là đồng minh với Mỹ nhưng lại mất lòng tin sâu sắc lẫn nhau. Thỏa thuận mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ký với người đồng cấp Hàn Quốc đầu tháng 10 vừa qua về một chiến lược răn đe phù hợp đã bị lung lay khi vài ngày sau đó, Mỹ cũng cam kết với Nhật Bản giúp tăng cường sức mạnh quân sự của nước này. Hàn Quốc xem cam kết này là mối đe dọa với an ninh của mình.
Trong bất kỳ trường hợp nào, một sự rút lui khỏi khu vực Trung Đông cũng không nên được xem là giải pháp cho chiến lược chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh hai khu vực này ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Việc Mỹ hướng về phương Đông, điều khiến các đồng minh cũ như Saudi Arabia và Ai Cập thấy bực bội sẽ là cơ hội để Trung Quốc hướng về Trung Đông.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Trung Đông đã gấp hơn 2 lần của Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức 23 tỷ USD và hiện đã bao gồm cả trang thiết bị quân sự như hệ thống phòng thủ tên lửa. Nếu việc thâm nhập của Trung Quốc vào khu vực tiếp tục diễn ra với nhịp độ hiện nay, nước này có khả năng cản trở dòng năng lượng chảy về chính các đồng minh châu Á của Mỹ.
Trong một cuộc cạnh tranh trên toàn cầu, các đối thủ cạnh tranh của một siêu cường chắc chắn sẽ tận dụng điểm yếu của đối thủ. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dẫn đến một sự dịch chuyển trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Người Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi các ngôn từ như “đa cực hóa thế giới”.
TTK (Theo Mạng tin “Project-Syndicate”, Mỹ)