Tới 2 thành phố miền Đông Kharkov và Odessa của Ukraine trong những ngày đầu tháng 5 ngọt ngào, điều tôi nhận thấy ở người dân nơi đây là một nỗi buồn kèm theo nhiều lo âu.Không buồn sao được khi chỉ trong vòng hơn nửa năm (từ tháng 11/2013), tình hình tại quốc gia tươi đẹp này đã có những thay đổi lớn theo hướng ngày càng xấu đi. Về kinh tế, đồng hryvna của Ukraine đã mất giá tới 50% (từ 8 hryvna/1 USD nay lên tới 12 hryvna/1 USD), lương tối thiểu không tăng trong khi giá khí đốt tăng 50% theo những cam kết với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể nhận khoản vay hơn 17 tỷ USD.
Phóng viên tại Nhà Công đoàn bị đốt cháy ở thành phố Odessa |
Về chính trị, nội chiến thực sự đã diễn ra tại một số thành phố ở miền Đông, tinh thần quân đội Ukraine xuống cấp chưa từng có, bất ổn gia tăng và lòng người ở miền Đông bị xáo động mạnh sau vụ hơn 40 người biểu tình thiệt mạng do cháy Nhà Công đoàn ở Odessa. Có thể nói cả về kinh tế và chính trị, tình hình tại Ukraine đã xấu đi trầm trọng so với thời điểm trước cuộc "cách mạng" tại Maidan (Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev).
Sự lo lắng thể hiện rõ trong tâm tư những người Ukraine trò chuyện với chúng tôi. Phần lớn trong số họ lo ngại về khả năng cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn có thể lan rộng, hay tình hình bất ổn tiếp tục kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới cơ hội phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và bày tỏ mong muốn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới (25/5) sẽ giúp cho tình hình này sớm kết thúc.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân miền Đông đặt câu hỏi, tại sao chính quyền trung ương Kiev không thương lượng đàm phán với những người ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông, mà phải sử dụng tới súng đạn, quân đội để đàn áp, khiến cho máu phải đổ, đào sâu thêm sự thù hận và tạo nên khung cảnh hoang tàn ở những thành phố giao tranh thuộc Đông Nam Ukraine.
Có thể nói sau khi độc lập năm 1991, Ukraine có đủ mọi tiềm năng để thịnh vượng, đi lên trên con đường phát triển kinh tế. Nước này có 46 triệu dân, đông gấp 3 CH Séc, với một diện tích lớn đất canh tác màu mỡ, được thừa hưởng nền tảng công nghiệp hùng mạnh, chỉ sau Nga, sau khi Liên Xô trước đây chia tách cùng nhiều khoáng sản như vùng than Donbass rộng lớn. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Ukraine đã không tận dụng được những tiềm năng này. Trong suốt 23 năm, trải qua 4 đời tổng thống, tình hình kinh tế chính trị nước này ngày càng sa sút.
Tính đến nay GDP của Ukraine chưa bao giờ đạt tới mức của năm 1992. Ở thời điểm đó, GDP của Ukraine tương đương với Ba Lan song nay tổng sản phẩm quốc nội của Ba Lan đã gấp đôi Ukraine. Chính vì thế một bộ phận người Ukraine hướng tới châu Âu và coi Ba Lan như ví dụ về sự thịnh vượng khi họ gia nhập EU. Trong con mắt nhiều người dân, các tổng thống chỉ lo vun vén cho mình mà không đưa ra được một phương sách nào chấn hưng Ukraine. Với các chính trị gia cũng vậy. Do Ukraine là một quốc gia "nhân tạo" (hình thành từ việc sáp nhập các vùng lãnh thổ theo thời gian) nên vẫn tồn tại những bất đồng giữa các vùng miền, đặc biệt là bất đồng Đông-Tây.
Thêm vào đó, các chính trị gia Ukraine không lo chấn hưng đất nước về kinh tế (nhiệm vụ này không hề đơn giản), mà để lấy được lá phiếu của người dân họ chỉ lo khuếch trương, đưa ra những chính sách lấy lòng bộ phận người dân miền Đông hay miền Tây của mình. Thủ pháp chính trị này đơn giản hơn nhiều so với một chương trình hành động cụ thể để chấn hưng kinh tế, và hệ quả là, họ càng khơi sâu thêm mối bất đồng Đông-Tây.
Ngày nay, khi đã giành được chính quyền nhờ sự hậu thuẫn của người biểu tình Maidan, ban lãnh đạo ở Kiev cũng không thể đi thẳng tay đàn áp những đòi hỏi của người biểu tình, đó là chưa tính tới những động thái mới của họ nhằm hút phiếu của người dân miền Tây trước thềm bầu cử tống thống, hay ve vãn Mỹ và EU nhằm nhận được thêm các hậu thuẫn, viện trợ. Có thể nói chính sự ích kỷ của các chính trị gia phần nào đã đẩy Ukraine vào ngõ cụt, khiến cho đất nước tươi đẹp và hiền hòa này bị xáo động, lòng người thêm lo âu.
Là một cựu sinh viên học ở Liên Xô trước đây và có tình cảm nhất định với con người và đất nước Ukraine xinh đẹp, tôi thực sự chia sẻ nỗi buồn chung của những người dân Ukraine hiện nay. Đây âu cũng là một bài học để các quốc gia khác có thể soi vào, tránh cho mình rơi vào cảnh hẩm hiu như Ukraine hiện nay.
Duy Trinh (Từ Ukraine)