Qua phát biểu gần đây của giới chức Mỹ, người ta thấy rằng cánh cửa đối với QE3 vẫn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, do thế giằng co đã định giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol trong vấn đề cắt giảm chi tiêu tài chính khó có thể bị phá vỡ trong thời gian ngắn, cho nên, chính sách tiền tệ trở thành hi vọng duy nhất giúp chính quyền của Tổng thống Obama tạo ra chuyển biến kinh tế tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để ông chủ Nhà Trắng tái cử. Cùng với việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư đi xuống, người ta càng tin rằng sớm muộn FED sẽ đưa ra QE3.
Tổng thống Obama gặp gỡ người dân tại Decorah, Iowa. AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố của mình hôm 9/8, FOMC cho biết đã thảo luận “một loạt công cụ chính sách khả thi” sẵn sàng thực thi khi cần thiết để “thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn cùng với việc giữ ổn định giá cả”. Theo nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Cato có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ), người từng giữ chức Phó Chủ tịch FED tại Dallas, ông Gerald O’Driscoll, điều này cho thấy FED đang thay đổi cách nhìn trước đây về thời gian suy thoái. Ông O’Driscoll cho rằng có thể phải cần tới trên 5 năm mới có thể thoát khỏi suy thoái kéo dài sau khủng hoảng nghiêm trọng, hơn nữa trong quá trình phục hồi các tín hiệu kinh tế phát đi sẽ rất lẫn lộn, gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. Đây là điều trước đó FED không ý thức được. Nhưng một khi rủi ro kinh tế dò đáy lần hai trở nên rõ ràng hơn, việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng định lượng là hành động cần thiết.
Về phần mình, nghiên cứu viên cao cấp Joseph Gagno thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ) cho rằng kinh tế của Mỹ hai quý lại đây phục hồi chậm chạp có thể là do các nhân tố tạm thời, nhưng cho dù trong hai quý vừa qua hay trong hai năm qua, sự phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn chậm hơn dự đoán của FED. Vào lúc này, rủi ro của việc cho ra đời một chính sách tiền tệ mạnh hơn sẽ nhỏ hơn bất cứ lúc nào.
Khi FED tin rằng lạm phát lõi sẽ không vượt quá 2%, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được bật đèn xanh. Gagno dự đoán, FED sẽ đưa ra chính sách tiền tệ nới lỏng mới (QE3) vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs Jan Hatzius cũng tin rằng sau tuyên bố ngày 9/8 của FOMC, khả năng QE3 được áp dụng đã lớn hơn bao giờ hết và thời gian đưa ra QE3 là vào cuối năm 2011 này hoặc đầu năm 2012.
Sớm đưa ra nhận định FED khó tránh được QE3 ngay từ hồi tháng 5, cập nhật những diễn biến mới đây, nhà kinh tế học độc lập nổi tiếng Hồng Công Tạ Quốc Trung cho rằng QE3 là sai lầm, nhưng FED sẽ vẫn phải đưa ra, thời gian áp dụng QE3 sẽ là vào tháng 9 tới. Về hình thức, QE3 không nhất định được đưa ra dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ như QE2 mà có thể FED sẽ tính tới việc sử dụng QE3 để mua các tài sản rủi ro như cổ phiếu công ty hoặc cổ phiếu bảo đảm bằng bất động sản. Tạ Quốc Trung tin rằng hiện nay thị trường chứng khoán là công cụ duy nhất có thể dẫn dắt kinh tế Mỹ. Bởi thị trường bất động sản Mỹ hiện vẫn có một lượng lớn hàng tồn kho không thể tiêu thụ được nên không thể phục hồi; các công ty doanh nghiệp thực sự có chút tiền mặt, nhưng do viễn cảnh ảm đạm nên sẽ rất cẩn trọng khi đầu tư, trong khi đó chính phủ liên bang đã không có cách nào để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế. Chỉ có kích thích thị trường chứng khoán mới có thể tạo ra hiệu ứng giàu có, chấn hưng nền kinh tế. Bên cạnh đó, nếu thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống, Obama sẽ khó có thể tái cử.
Nhận định về mục tiêu hướng đến của dòng tiền QE3 của Tạ Quốc Trung càng trở nên có cơ sở sau khi Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoelick lên tiếng cảnh báo về những khó khăn ngày càng gia tăng của kinh tế Mỹ và châu Âu đang đẩy thế giới đến "bờ vực nguy hiểm" mới. Trả lời phóng viên kinh tế Peter Ryan của Đài Truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC) trong một cuộc phỏng vấn tối 14/8, ông Zoellick cho biết hiện lãnh đạo các nước ngày càng mất lòng tin vào tình hình kinh tế thế giới và nguyên nhân của vấn đề này là do sự suy thoái của thị trường chứng khoán toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi chờ đợi sự ra đời của QE3, người ta đã thấy xuất hiện phiên bản chiết trung của QE3 (QE2.5). Đó chính là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất thấp (FED đã quyết định duy trì lãi suất siêu thấp từ 0%-0,25% tới giữa năm 2013) và việc tái đầu tư tài sản tài chính đáo hạn.Về bản chất, QE2.5 không khác gì chính sách nới lỏng định lượng. Theo bảng cân đối tài sản của FED, tổng giá trị tài sản là nợ chính phủ, nợ của các cơ quan liên bang và trái phiếu thế chấp mà FED đang nắm giữa là trên 2.600 tỉ USD. Ngoài ra, FED còn một lượng khá lớn các loại tài sản khác như chứng khoán thế chấp bằng bất động sản (Mortgage backed seccuries - MBS) và chứng khoán thế chấp bằng tài sản tài chính (Asset backed seccuries - ABS)…Tính toán của IHS Global Insight cho thấy mỗi tháng, giá trị tài sản đáo hạn và tiền lãi của các tài sản đáo hạn mà FED thu về là khoảng 45 tỉ USD. Như vậy, quy mô của QE2.5 không hề nhỏ. Rốt cuộc, chưa cần tới sự xuất hiện của QE3, kinh tế thế giới đã phải đối mặt với sự nguy hiểm của cơn “sóng thần USD”.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)
Đón đọc kỳ cuối: Cần chuẩn bị cho khả năng tồi tệ