Nước Anh nên ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu?

Liên quan đến cam kết của Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trước năm 2017 về việc nước Anh nên ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đang xúc tiến các cuộc thương lượng với lãnh đạo EU, trang điện tử "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 19/5 đăng bài viết của ông Gérard Errera, cựu Đại sứ Pháp tại Anh và hiện là Chủ tịch Nhóm Blackstone tại Pháp, với nhận định rằng ông Cameron cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện chính sách có tính rủi ro cao nhất trong nhiệm kỳ hai.

Giải quyết ra sao những khúc mắc nội bộ về mối quan hệ của nước Anh với phần còn lại của châu Âu? Nếu bạn là người Anh câu trả lời thật dễ dàng: tổ chức trưng cầu ý dân, bởi rốt cuộc thì đó là cách của người Anh. Harold Wilson đã từng làm năm 1975, cựu Thủ tướng Tony Blair cũng đã hứa như thế vào năm 2004 và nay đến lượt Thủ tướng David Cameron.

Nhưng lần này rủi ro cao hơn và ông David Cameron cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Với các đối tác EU, ông Cameron cần kiềm chế, tránh bất kỳ hành động "tống tiền" cũng như những sai lầm mà người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras đã mắc phải. Đúng là ông David Cameron có sự ủy nhiệm của người Anh, nhưng tất cả những người đứng đầu chính phủ ở châu Âu cũng đều được bầu một cách dân chủ và họ cũng phải tôn trọng các quy tắc. Một cá thể không thể đòi hỏi được hưởng tối đa quyền lợi, chịu tối thiểu bổn phận và luôn đứng vai trò trung tâm trong việc "kiểm tra" các sáng kiến của EU.

Khi chúng ta càng coi châu Âu là nước Anh thì chính nước Anh lại càng sẵn sàng rời đi.


Nước Anh chưa bao giờ "dễ tính" với dự án châu Âu, trừ một vài ngoại lệ của chính phủ Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Edward Heath và chính phủ Công đảng dưới thời Thủ tướng Tony Blair. Mặc dù vậy, nhờ kỹ năng đàm phán của các nhà lãnh đạo nước này cũng như sự bao dung của các đối tác, nước Anh đã được hưởng một vị thế đặc biệt trong EU suốt 30 năm qua. Bên cạnh những lợi ích của việc là một phần của thị trường chung 500 triệu dân, nước Anh (nước duy nhất) được giảm trừ tiền đóng góp cho ngân sách chung của khối. Nước Anh không tham gia khu vực miễn thị thực "Schengen" lẫn khu vực Đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Bên cạnh đó, nước Anh cũng có ảnh hưởng đối với sự phát triển của EU - khuyến khích sự mở rộng mà không củng cố hội nhập, ủng hộ quan điểm tự do hơn về thương mại và cạnh tranh; và tiếng Anh ngày càng có vai trò như ngôn ngữ nổi bật trong EU.

Bởi vậy, điều ngạc nhiên ở đây là khi chúng ta càng coi châu Âu là nước Anh thì chính nước Anh lại càng sẵn sàng rời đi. Có vẻ như nước Anh giờ đây đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro của việc từ bỏ mọi lợi ích của quy chế thành viên. Trong trường hợp rời khỏi EU, nước Anh sẽ buộc phải tuân theo quy tắc của khối trong việc giao dịch với các đối tác thương mại của EU mà không có quyền "định nghĩa" chúng. Đây chính là rủi ro mà ông Cameron hứng lấy bằng lời hứa tổ chức trưng cầu ý dân. Ông sẽ đối mặt với thách thức tránh biến thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua thành một thất bại, mà hậu quả gây ra không chỉ khôn lường cho tương lai các mối quan hệ với châu Âu mà còn cho chính sự đoàn kết của nước Anh.

Không nước châu Âu nào muốn Anh rời đi, nhưng cũng sẽ không có ai giúp ông Cameron "làm lại" châu Âu. Nước Anh càng tự hỏi về lợi ích của việc ở lại EU thì các nước EU lại chất vấn ngược lại - đó là: liệu có đáng giữ trong liên minh một thành viên mà mối quan tâm chính của họ chỉ là đảm bảo được trả lại nhiều tiền hơn? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào cách hành xử của ông Cameron cả ở trong nước lẫn với các đối tác châu Âu.

Trong nước, ông Cameron phải kháng cự những yêu cầu mang tính khiêu khích của các nghị sĩ cánh hữu, vốn được sự tiếp sức của đảng Độc lập Anh (UKIP) và giới truyền thông bài châu Âu. Ông Cameron cũng phải giải thích với người dân Anh rằng châu Âu không phải là một phép tính có tổng bằng không. Ông Cameron có thể thảo luận với các đối tác những cách thức để khiến EU vận hành tốt hơn và vững mạnh hơn trong việc bảo vệ các lợi ích tập thể.

Ông Cameron cần đồng minh. Ông không nên lặp lại sai lầm của năm 2011 khi phủ quyết thỏa thuận tài khóa và bị phớt lờ; hay khi thất bại trong việc ngăn cản việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Trong cả hai vụ việc, ông đã hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel để rồi thất vọng tràn trề.

Có điều thú vị là mọi quyết định tích cực từ nước Anh ủng hộ "Dự án châu Âu" đều được thực hiện bởi các chính phủ Bảo thủ: Thủ tướng Harold Macmillan khởi động các cuộc đàm phán gia nhập năm 1962; Thủ tướng Heath đưa nước Anh trở thành thành viên của tổ chức khi còn gọi là Thị trường Chung châu Âu; Thủ tướng Margaret Thatcher ký Đạo luật châu Âu đơn nhất năm 1986 và Thủ tướng John Major chứng thực Hiệp ước Maastricht năm 1992.


TTK
Tương lai quan hệ Anh-EU sau tổng tuyển cử
Tương lai quan hệ Anh-EU sau tổng tuyển cử

Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2015 tại Anh có ý nghĩa lớn trên nhiều phương diện. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cuộc bầu cử này đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền chính trị Anh từ truyền thống cạnh tranh giữa hai đảng sang nhiều đảng và khó dự đoán hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN