Có thể coi chuyến thăm là bước tiếp nối trong chính sách của Thủ tướng Merkel đối với châu lục đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng chiến lược cũng như đang trở thành "trung tâm" tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc thế giới.
Châu Phi luôn có vị trí ưu tiên nhất định trong các chính sách của Thủ tướng Merkel, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ gần đây. Tháng 10/2016, bà Merkel từng thăm ba nước miền Đông châu Phi gồm Mali, Niger và Ethiopia.
Trong thời gian qua, nhiều bộ trưởng trong Chính phủ Đức cũng đã thăm các quốc gia châu Phi, đặc biệt là Bắc Phi, nhằm thúc đẩy hợp tác. Trước chuyến đi này, bà Merkel cũng vừa đón tiếp lãnh đạo hai quốc gia châu Phi khác là Niger và Angola đến thăm Đức.
Chính sách hỗ trợ châu Phi phát triển toàn diện có liên quan mật thiết đến vai trò và vị thế của nước Đức trên bình diện quốc tế. Đức đã xây dựng nhiều kế hoạch thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi, đặc biệt qua các chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như “Hiệp ước với châu Phi” tập trung vào thương mại; “Châu Phi chuyên nghiệp!” để phát triển doanh nghiệp và “Kế hoạch Marshall” nhằm viện trợ phát triển.
Năm 2017, nước Đức đã sử dụng vai trò Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để thúc đẩy và kêu gọi các quốc gia hợp tác với châu Phi. Bên cạnh các vấn đề nóng của thế giới, chủ đề phát triển châu Phi đã chiếm một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của G20 năm 2017, bao gồm cả Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg.
Chiến lược hướng đến châu Phi mà Thủ tướng Merkel theo đuổi được cho là nhằm mở rộng quyền lực mềm của nước Đức ở châu lục này. Các công ty hàng đầu của Đức đã hoạt động lâu năm tại châu Phi, song vẫn chưa đạt được nhiều thành công như các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc. Do đó, Đức cần phải hành động nhiều hơn, thông qua việc tích cực tham gia vào thị trường ở châu Phi.
Đặc biệt, Đức cũng không thể chậm chân hơn nữa khi các nước lớn đều đang đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi. Trung Quốc từ lâu đã vượt Mỹ trở thành một đối tác kinh tế quan trọng nhất của châu Phi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chính trị và quân sự mới giữa Trung Quốc và châu Phi.
Pháp đang khai thác tích cực các mối quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự mật thiết được xây dựng từ thời thuộc địa với các nước châu Phi, còn Nga đã xúc tiến kế hoạch, quay lại châu Phi“ đầy tham vọng.
Ấn Độ ngày càng coi trọng châu Phi, thể hiện qua chuyến công du cuối tháng 7 vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới 3 nước Rwanda, Uganda và Nam Phi hay các sáng kiến như hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi, Hành lang phát triển Á - Phi....
Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau 18 tháng cầm quyền, cũng vừa chỉ định một trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính sách của Mỹ đối với châu Phi....
Trong khi đó, dù châu Phi từng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức, rất nhiều kế hoạch và cam kết đã được đưa ra, song thực tế lại không hoàn toàn như kỳ vọng của các bên. Trong năm 2017, trao đổi thương mại giữa Đức và châu Phi tăng nhẹ, song vẫn ở mức rất thấp và cán cân nghiêng hẳn về phía Đức.
Trong khi xuất khẩu của Đức sang châu Phi đều tăng ở hầu hết các nước thì ngược lại, hàng hóa châu Phi đến Đức có xu hướng giảm. Châu Phi chỉ chiếm tỷ trọng 1,1% trong tổng kim ngạch thương mại của nước Đức năm ngoái.
Chuyến thăm của bà Merkel lần này sẽ tập trung vào vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế song phương với Senegal, Ghana và Nigeria. Tháp tùng bà Merkel trong chuyến thăm ba nước châu Phi là một đoàn hùng hậu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức, thuộc các lĩnh vực điện tử, máy móc, nhập khẩu và phân phối sản phẩm nông nghiệp cũng như năng lượng mặt trời.
Hợp tác kinh tế giữa Đức và châu Phi rõ ràng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Châu Phi hiện được đánh giá là "người khổng lồ đang ngủ của nền kinh tế thế giới" và là một thị trường rộng lớn, với ước tính một phần tư dân số thế giới sẽ sống ở châu Phi vào năm 2050.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ, đây còn có thể là nơi sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp Đức. Ngược lại, châu Phi kỳ vọng vào các khoản đầu tư cũng như khoa học công nghệ và kinh nghiệm của các doanh nghiệp Đức để thúc đẩy sự phát triển.
Trước chuyến đi, bà Merkel từng kêu gọi các nước châu Phi tạo điều kiện, môi trường đầu tư đáng tin cậy hơn để các doanh nghiệp Đức có thể yên tâm đầu tư, làm ăn. Đáp lại, cả ba quốc gia mà Thủ tướng Đức đến thăm đều cam kết về sự ổn định, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Tây Phi.
Ngoài mục tiêu kinh tế, vấn đề di cư nhiều khả năng cũng được thảo luận trong chuyến thăm, bởi đây vốn là chủ đề gây tranh cãi ở Đức trong vài năm qua và từng khiến bà Merkel gặp rất nhiều sóng gió trên chính trường. Quyết định mở của đón dòng người tị nạn vào năm 2015 của Thủ tướng Merkel đã gây ra sự xáo trộn lớn và chia rẽ sâu sắc trong xã hội Đức cũng như ở châu Âu.
Nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi, Chính phủ Đức đã thúc đẩy việc hợp tác với các quốc gia ở châu lục này với mục tiêu giải quyết tận gốc vấn đề đó là phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho giới trẻ.
Hợp tác với châu Phi cũng giúp nước Đức và châu Âu đảm bảo an ninh, chống lại các nguy cơ bị tấn công khủng bố từ các tổ chức và phần tử cực đoan. Những đối tượng này thường tìm cách trà trộn vào dòng người tị nạn để thâm nhập vào châu Âu nói chung, Đức nói riêng, từ đó gây ra các nguy cơ về an ninh.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê Đức, khoảng 11.000 người từ Senegal, Ghana và Nigeria đã đến Đức xin tị nạn trong năm 2017, nhưng chỉ một phần nhỏ được chấp thuận. Hiện nay, khoảng 14.000 người khác từ ba quốc gia này vẫn đang sống ở Đức mà không được hưởng quy chế tị nạn hợp pháp.
Tuy nhiên, việc trục xuất khá tốn kém và rất khó khăn, một phần do vấn đề thủ tục từ cả hai phía. Trong chuyến thăm này, bà Merkel có thể sử dụng đòn bẩy về kinh tế để thúc ép các quốc gia châu Phi nghiêm túc và tích cực hơn trong việc xử lý vấn đề người di cư.
Nếu như chuyến thăm năm 2016 của bà Merkel tới các nước miền Đông châu Phi mang tính chất mở đường, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 là nơi đưa ra những lời hứa hẹn, thì chuyến thăm lần này là cơ hội để nước Đức hiện thực hóa những kế hoạch với châu Phi, nơi vẫn đang đặt kỳ vọng lớn vào một sự hợp tác hiệu quả và thực tế hơn nữa với quốc gia đầu tàu của châu Âu.