Bà Gloria Phifer là một trong số đó. Cựu nhân viên bưu tá tuổi này đã lái xe khoảng 15 phút đến hội đồng bầu cử. Không ngại phải cuốc bộ, bà tìm một chỗ đậu xe bên ngoài, đi tới lối vào hội đồng và bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu màu đỏ - hòm phiếu duy nhất tại hạt này. Bà chia sẻ: "Đây là một cuộc bầu cử quan trọng và tôi chỉ muốn đảm bảo rằng không có trục trặc nào xảy ra”.
Cũng như bà Phifer, trên 90 triệu cử tri Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân trước ngày tổng tuyển cử 3/11. Con số này tương đương 58% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016, cũng là mức cao kỷ lục trong hơn 1 thế kỷ qua. Trong khi đó, với tổng chi tiêu cho các chiến dịch vận động tranh cử đạt gần 14 tỷ USD, đây được xem là cuộc đua “tốn kém nhất trong lịch sử”. Những cái “nhất” này càng phản ánh tính chất cam go của cuộc đua định hình sắc màu chủ đạo của nền chính trị Mỹ trong những năm tới.
Trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.
Cuộc đua vào Nhà Trắng nhận được sự quan tâm trên hết, cử tri Mỹ sẽ “chọn mặt gửi vàng” nhân vật vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ để chèo lái “con thuyền nước Mỹ” trong 4 năm tiếp theo.
Giữa những xáo trộn của chiến dịch tranh cử năm nay, duy chỉ có một điều vẫn bất biến: cử tri sẽ phải lựa chọn giữa hai đường lối chính sách khác biệt nhau, giữa một bên là đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ và một bên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ theo đường lối tự do. Điều này không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy tìm được sự đồng thuận đang trở thành một điều “xa xỉ” ở nước Mỹ ngày nay.
Giống như sự đối lập giữa “sắc đỏ” truyền thống của đảng Cộng hòa và “sắc xanh dương” của đảng Dân chủ, Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden được ví như hai thái cực trái ngược với những cách tiếp cận khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự. Năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng với cương lĩnh tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Với thông điệp “Keep America great” (Duy trì nước Mỹ vĩ đại), nghị trình được Tổng thống Trump đưa ra nếu ông tái đắc cử tập trung vào việc làm, thuế và kinh tế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và hàng chục triệu người mất việc, Tổng thống Trump nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là khôi phục nền kinh tế đầu tàu thế giới về mức trước khi đại dịch ập đến. Ông cam kết tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng và 1 triệu doanh nghiệp nhỏ mới. Ông cũng hứa sẽ tiếp tục hành động dựa trên thành quả từ việc cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu, trong đó có việc tiếp tục giảm thuế và cấp tín dụng để thuyết phục các công ty sử dụng lao động Mỹ thay vì tuyển dụng ở nước ngoài. Ông tuyên bố sẽ "thiết lập các thỏa thuận thương mại công bằng để bảo vệ việc làm của người Mỹ".
Về chăm sóc y tế, Tổng thống Trump tiếp tục hạ thấp tác động của dịch COVID-19 và đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả vào cuối năm nay, với cam kết "trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021", tích trữ đủ nhu yếu phẩm và đảm bảo lực lượng lao động trọng yếu có đủ nguồn lực cần thiết sẵn sàng đương đầu với các đại dịch trong tương lai. Ông cũng duy trì lập trường xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (ACA) còn gọi là Obamacare, và thay thế đạo luật này bằng một chương trình tốt hơn.
Tổng thống Trump cũng thúc đẩy mạnh mẽ thông điệp về "pháp luật và trật tự" để đối phó với tình trạng bạo lực và biểu tình diễn ra ở trên khắp nước Mỹ mùa hè vừa qua. Đó là cam kết bảo vệ lực lượng cảnh sát trong bối cảnh ngày càng nhiều cuộc biểu tình phản đối cách hành xử không đúng mực của cảnh sát với người da màu, có hành động cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp và đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với người nhập cư hợp pháp.
Trên lĩnh vực đối ngoại, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã xây dựng chính sách đối ngoại với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”. Trong chiến dịch tái tranh cử này, ông đang thể hiện như một nhà trung gian khi thúc đẩy các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông cũng đề cập tới những thành quả lớn như đã thuyết phục thêm các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và các điểm nóng khác.
Trong quan hệ với các nước, ông Trump chủ trương duy trì cách tiếp cận mềm mỏng với Nga và Triều Tiên, song bảo lưu lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông cũng thúc đẩy các thỏa thuận song phương, đồng thời tuyên bố sẽ hiện thực hóa kế hoạch đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng thỏa thuận này gây thiệt hại lớn cho Mỹ.
Có thể nói, chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump vẫn hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi. Chủ tịch tổ chức Eurasia Group Ian Bremmer từng nhận định ông Trump coi sự hợp tác quốc tế hoàn toàn như các cuộc giao dịch, và “nếu không mang lại một lợi ích ngắn hạn và rõ ràng cho Mỹ... thì đấy không phải là điều Mỹ nên theo đuổi”.
Với thâm niên gần 50 năm tham gia chính trường, ứng cử viên Biden lại tận dụng kinh nghiệm lâu năm để thể hiện mình là một người vững vàng, có khả năng trấn tĩnh một đất nước đang hỗn loạn. Chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu của chính khách này với chiến dịch tranh cử đặc biệt tập trung vào cách ứng phó dịch COVID-19, cam kết xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ người dân. Ông tuyên bố mở rộng ACA cũng như cho phép người Mỹ lựa chọn tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare. Quan điểm về nhập cư của ông Biden cũng mềm mỏng hơn ông Trump khi chủ trương hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ, coi những người nhập cư không có giấy tờ hay tiền án “không nên là trọng tâm của việc trục xuất”.
Với kế hoạch "Build back better" (Xây dựng lại tốt hơn), về kinh tế, ông Biden chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm. Ông đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/giờ. Trong quan niệm của ông Biden, nước Mỹ cần phải xây dựng một nền kinh tế “phần thưởng cho công việc chứ không chỉ có sự giàu có”. Một điểm nổi bật trong cam kết của ông Biden là kế hoạch đầy tham vọng về khí hậu, bao gồm việc đại tu toàn bộ ngành năng lượng Mỹ để đạt mục tiêu giảm lượng phát thải trong sản xuất điện năng xuống 0% vào năm 2035.
Chính sách đối ngoại của ông Biden cũng khác hoàn toàn với đối thủ Cộng hòa. Ông Biden thường xuyên đề cập tới mong muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết tung ra một "cơn sóng thần" những đổi thay trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Cựu Phó Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO. Với Trung Quốc, dù cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng, ông Biden tỏ ý sẽ giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại. Ông cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Xét về lợi thế và hạn chế của mỗi ứng cử viên, giới phân tích đánh giá Tổng thống Trump có được sự ủng hộ trung thành không thể lay chuyển của nhóm cử tri nền tảng vốn chiếm hơn 1/3 dân số Mỹ, những người năm 2016 đã cho thấy rằng dù đứng sau trong các cuộc thăm dò, ông Trump vẫn có thể giành chiến thắng. Người Mỹ tỏ ra tin tưởng ông Trump hơn ông Biden trong lĩnh vực kinh tế, vốn là mối quan tâm lớn của đại đa số cử tri.
Ngoài ra, điểm mạnh của ông Trump chính là vị thế tổng thống đương nhiệm. Trong 45 đời tổng thống Mỹ, chỉ có 10 tổng thống thất bại trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai. Một điểm đặc biệt nữa là ông Trump chưa bao giờ hết lôi cuốn trong suốt 4 năm tràn ngập các cuộc đấu tranh chính trị liên tiếp, và vẫn luôn là một “chiến binh” may mắn.
Tuy nhiên, sức mạnh chính trị to lớn của ông Trump - khả năng thu hút đám đông khổng lồ tham gia các cuộc vận động tranh cử - đã phần nào bị hạn chế do các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, điểm hạn chế lớn của ông hiện nay chính là nền kinh tế suy yếu và dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Đại dịch COVID-19 đã “xóa sổ” những thành tích kinh tế mà ông luôn tự hào. Dù kinh tế quý III ước tính tăng vọt tới 33%, song con số này chưa thể bù đắp những thiệt hại to lớn trong quý II, trong khi nguy cơ “cơn đau” kinh tế kéo dài vẫn còn hiện hữu.
Lịch sử cho thấy bức tranh kinh tế ảm đảm trong năm bầu cử thường có ảnh hưởng nhất định tới số phiếu dành cho tổng thống đương nhiệm. Trong khi đó, phe Dân chủ luôn lợi dụng số ca mắc COVID-19 và tử vong rất cao ở Mỹ để chỉ trích ông Trump.
Ở bên kia chiến tuyến, việc “lăn lộn” nhiều năm trên chính trường đã mang lại cho ông Biden những mối quan hệ quan trọng trong giới tinh hoa. Là một đảng viên Dân chủ ôn hòa, ông có thể thu hút các cử tri từng ủng hộ cựu Tổng thống Barack Obama, những người đã quay sang bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden được tin tưởng hơn ông Trump trong những vấn đề như xử lý dịch COVID-19. Người Mỹ thuộc mọi giai tầng nói rằng ông Biden là ứng cử viên có thể đoàn kết đất nước vào thời điểm có nhiều chia rẽ lớn.
Dẫu vậy, vấn đề tuổi tác là chướng ngại lớn nhất đối với chính khách 77 tuổi này. Điều này được phản ánh qua những chuyển động trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden. Những lần xuất hiện trước công chúng của ông rất ít ỏi, với số lượng người tham gia thưa thớt. Sự thể hiện có phần mờ nhạt của ông trái với điều được gọi là “sự hiện diện mang tính chỉ huy” và với những gì người dân kỳ vọng từ một nhà lãnh đạo. Do đó, không ít cử tri lo ngại ông sẽ gặp khó khăn khi đương đầu với những nhiệm vụ của phòng Bầu dục.
Trước “giờ G”, các kết quả thăm dò đều cho thấy một chiều hướng chung là thế trận đang nghiêng về cựu Phó Tổng thống Biden và kịch bản ông Trump có thể phải rời khỏi Nhà Trắng. Thế nhưng, sẽ rất liều lĩnh khi dự đoán thắng-thua trong trận chung kết ngày 3/11 bởi ông Trump có thể “lật ngược thế cờ” bất cứ lúc nào, tương tự như những gì ông đã làm được cách đây 4 năm. Lợi ích kinh tế sát sườn hay ưu tiên chăm sóc y tế đang trở nên đặc biệt quan trọng giữa lúc dịch bệnh hoành hành, cử tri Mỹ sẽ trả lời câu hỏi này trong chưa đầy 48 giờ nữa.