Nước - Nguồn gốc chiến tranh mới?

Theo mạng tin "Oil price" ngày 13/6, nước đang là mặt hàng quý nhất thế giới, thậm chí hơn cả dầu mỏ tại Trung Đông và Bắc Phi. Đây là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các quốc gia không có đường biên giới chung, không có lịch sử quan hệ gập ghềnh, không có những mối quan hệ trực tiếp hay bất đồng chính trị, tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải. Sự căng thẳng xuất hiện đột ngột và có thể biến thành xung đột quân sự.


 

Căng thẳng về nguồn tài nguyên nước có thể dẫn đến xung đột.

 

Cuộc khủng hoảng mới nhất này có liên quan đến Ai Cập và Êtiôpi, 2 trong số 9 quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước sông Nile - con sông dài nhất thế giới. 6.650 km của con sông này trải từ trung tâm châu Phi lên phía bắc, từ các con suối đầu nguồn ở Ruanđa hoặc Burunđi ở trung tâm châu Phi chảy đến hồ Victoria tại Uganđa qua Xuđăng. Qua Ai Cập từ phía nam, nó tạo ra châu thổ sông Nile và cuối cùng đổ ra Địa Trung Hải. Sông Nile là nguồn nước duy nhất của Ai Cập, nếu không có nó, Ai Cập sẽ biến thành sa mạc; con người, cây cối và các loài vật đều không thể sống nổi; Ai Cập sẽ không tồn tại.


Sông Nile gồm 2 nhánh là Nile Trắng và Nile Xanh. Nile Trắng dài hơn và bắt nguồn từ khu vực Đại hồ ở trung tâm châu Phi. Nile Trắng chảy về phía bắc tới Tandania, Hồ Victoria, Uganđa và Nam Xuđăng. Nhánh Nile Xanh là nguồn cung cấp nước và đất đai màu mỡ chủ yếu. Nile Xanh bắt đầu tại Êtiôpi và chảy sang Xuđăng, khi hai nhánh sông gặp nhau gần thủ đô Khắctum của Xuđăng.


Êtiôpi đang có kế hoạch xây dựng một đập thủy điện trên dòng Nile Xanh, mà Ai Cập cho rằng có thể can thiệp vào dòng chảy của con sông và nước này sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Ai Cập Mohammad Morsi đã cảnh báo Êtiôpi rằng việc can thiệp vào dòng nước sông Nile có thể đe dọa Ai Cập và Cairô sẽ hành động một cách phù hợp, rằng "mọi phương án lựa chọn đều để ngỏ", gồm cả khả năng sử dụng vũ lực quân sự. Tổng thống Ai Cập khẳng định đây không phải là lời kêu gọi chiến tranh, nhưng nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không khoan nhượng bất kỳ việc nào làm đổi dòng nước sông Nile. An ninh nước của Ai Cập không thể bị vi phạm.


Dường như Ai Cập đã bị bất ngờ khi Êtiôpi bắt đầu việc xây dựng đập thủy điện ảnh hưởng đến dòng chảy Nile Xanh. Đập Đại thiên niên kỷ Êtiôpi có chi phí xây dựng 4,7 tỷ USD, và khi hoàn thành sẽ cung cấp 6.000 MWt điện. Êtiôpi tuyên bố dòng Nile Xanh sẽ bị đổi dòng chút ít, nhưng sau đó có thể trở lại dòng chảy tự nhiên của nó.


Tuyên bố của Ai Cập rằng đa số nước sông Nile thuộc về họ và Xuđăng dựa trên một phán quyết từ thời thuộc địa rằng đa số nước sông Nile được dành cho Ai Cập và Xuđăng. Nhưng Êtiôpi hiện cho rằng phán quyết trên đã lỗi thời.


Mặc dù khó có thể xảy ra đụng độ quân sự, nhưng khả năng này là không thể loại trừ. Sau đây là một số thông tin có liên quan đến sức mạnh quân sự của hai nước.


Về dân số, Ai Cập có hơn 83 triệu dân, còn Êtiôpi có hơn 84 triệu dân. Nhưng quân đội Ai Cập hùng mạnh hơn nhiều. Các lực lượng vũ trang Ai Cập có 4.500 quân thường trực và 79.000 quân dự bị, được trang bị và huấn luyện tốt hơn nhiều so với 182.400 quân thường trực và không có quân dự bị của Êtiôpi. Không quân Ai Cập có 3 máy bay, trong khi Êtiôpi có 147 chiếc. Ai Cập có 4.487 chiếc xe tăng có thể tham gia chiến đấu, trong khi Êtiôpi có 301 chiếc. Quân đội Ai Cập có thể nã 10.244 quả đạn cối vào kẻ thù, trong khi Êtiôpi chỉ có 400 quả. Tương tự như vậy, Ai Cập có 23.600 vũ khí chống tăng, so với 400 của Êtiôpi.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN