Đây là làn sóng bạo loạn tồi tệ nhất ở Pháp trong hàng chục năm qua, trong đó những hành động tấn công, phá hoại và cướp bóc của những phần tử quá khích đã khiến tình hình khủng hoảng ngày càng phức tạp. Giới phân tích đánh giá đây là cuộc khủng hoảng xã hội “chưa từng có” và đang tiếp tục lan rộng trên toàn nước Pháp.
Sức ép đang đè nặng lên Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp, phải nhanh chóng giải quyết khủng hoảng trước nguy cơ một cuộc biểu tình bạo lực mới sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Đỉnh điểm căng thẳng xảy ra ngày 1/12 khi trên toàn nước Pháp, khoảng 75.000 người đã xuống đường. Tại trung tâm thủ đô Paris, những kẻ biểu tình quá khích chống lại lực lượng cảnh sát, đập phá cửa hàng và công sở, cướp bóc hàng hóa, đốt hàng chục xe ô tô và thùng nhựa ven đường, phá hoại Khải Hoàn Môn - biểu tượng vinh quang của nước Pháp. Nhiều tòa nhà được xếp vào hàng di tích lịch sử trong khu vực quận 8 - Paris, gần đại lộ Champs-Elysées bị tấn công.
Sự hỗn loạn không chỉ giới hạn trên đại lộ Champs-Elysées mà đã lan ra các quận xung quanh. Bầu trời trung tâm Paris kín đặc khói đen từ các đám cháy do người biểu tình đốt xe ô tô và hàng rào công trường trên đường phố. Bạo động cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Lille, Rennes, Bordeaux và Marseilles. Tại một số tỉnh, thành của nước Pháp, người biểu tình chiếm đóng nhiều văn phòng, cơ quan nhà nước. Khoảng 50 người đột nhập vào tòa thị chính Bordeaux. Phe "Áo vàng" cũng phong tỏa sân bay của thành phố Nice. Ở miền Tây nước Pháp, những người Áo vàng tràn vào đường băng của sân bay thành phố Nantes. Bạo động cũng đã bùng lên tại một vài nơi như ở Strasbourg, miền Đông Bắc, hay Dijon ở miền Trung. .
Hoạt động biểu tình, phản kháng xã hội vốn được coi là một trong "truyền thống" lâu đời của người Pháp qua nhiều thế kỷ và kể từ khi Tổng thống Macron lên nắm quyền tới nay, người dân Pháp cũng thường xuyên xuống đường bày tỏ thái độ trước những kế hoạch cải cách của ông, như làn sóng biểu tình phản đối cải cách luật lao động bùng phát từ năm ngoái, song hầu hết các hoạt động này diễn ra hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" trong 3 tuần qua rất khác thường. Không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ một đảng phái chính trị hay tổ chức công đoàn nào, không có thủ lĩnh, những người biểu tình đã tự lôi kéo, kích động và sử dụng mạng xã hội làm phương tiện liên lạc và truyền thông. Cuộc biểu tình lần thứ nhất vào ngày 17/11 đã thu hút 282.000 người trên khắp cả nước, số người tham gia các cuộc biểu tình tiếp theo vào các ngày 24/11 và 1/12 giảm dần, nhưng một số phần tử cực đoan đã lợi dụng phá rối, dẫn đến bạo động ở Paris và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cảnh sát lưu ý rằng có cả nghìn phần tử “chuyên đập phá”, đeo mặt nạ che mặt, trang bị đủ loại công cụ từ búa rìu, len lỏi vào đoàn biểu tình tấn công cảnh sát, đập phá các công trình công cộng, cướp bóc...
Từ mục tiêu ban đầu là bày tỏ phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính phủ, một số nhóm người “Áo vàng” hiện nay đưa ra nhiều đòi hỏi khác như tăng lương tối thiểu, giảm thuế thu nhập, tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng lương hưu… Từ một hoạt động biểu tình tự phát, phong trào "Áo vàng" cũng nhanh chóng mang màu sắc chính trị khi được nhiều lãnh đạo các đảng đối lập ủng hộ, trong đó có bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc. Các đảng đối lập tận dụng cơ hội để chỉ trích Tổng thống Macron, khuyến khích những người “Áo vàng” tiếp tục biểu tình cho đến khi các yêu sách được đáp ứng. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen cho rằng cần giải tán quốc hội và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire thừa nhận rằng các cuộc biểu tình bạo loạn đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế đất nước, khi các nhà phân phối hàng hóa bị thiệt hại doanh thu 35%, thậm chí một số cửa hàng doanh thu giảm tới 70% do phải đóng cửa. Riêng các cuộc bạo loạn tại trung tâm Paris ngày 1/12 đã gây thiệt hại ước tính lên tới 4 triệu euro. Không những thế, các hành động tấn công cướp phá ngang nhiên ngay tại "thủ đô Ánh sáng" Paris đã "làm xấu" hình ảnh nước Pháp, vốn được coi là thân thiện, văn minh và yên bình, đặt ra nhiều thách thức về an ninh, trật tự. Sự chia rẽ chính trị cũng xuất hiện khi các đảng đối lập tìm cách lôi kéo người biểu tình.
Các biện pháp của Chính phủ Pháp cho tới nay một mặt ưu tiên đối thoại để giải quyết căng thẳng, đồng thời cũng kiên quyết và cứng rắn đối với những kẻ gây bạo loạn. Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Edouard Philippe và một loạt bộ trưởng đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc riêng rẽ với lãnh đạo các đảng phái chính trị có đại diện tại Quốc hội cũng như đại diện phong trào “Áo vàng” để lắng nghe ý kiến của họ. Chính phủ Pháp đề nghị mở cuộc tranh luận tại Quốc hội vào ngày 5/12 và tại Thượng viện ngày 6/12. Chính phủ cũng kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết dân tộc. Trong động thái mới nhất nhằm xoa dịu tình hình, Chính phủ Pháp thông báo sẽ tạm hoãn thực hiện kế hoạch tăng thuế nhiên liệu từ đầu năm tới.
Trên bình diện pháp lý, hơn 10 nghi can tham gia bạo động phá phách bị đưa ra tòa xét xử. Trong vụ bạo động hôm 1/12, theo Cơ quan Công tố Paris, có 378 trường hợp bị câu lưu và sẽ có khoảng 2/3 trong số trên phải ra tòa về tội dùng vũ lực chống người thi hành công vụ, hủy hoại tải sản công, tụ tập tổ chức bạo lực hay thậm chí cả tội sử dụng vũ khí trái phép. Chính phủ Pháp cũng để ngỏ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp vốn đã được dỡ bỏ vào tháng 11/2017, hai năm sau cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris.
Kế hoạch tăng thuế nhiên liệu là một trong những biện pháp cải cách của Tổng thống Macron nhằm thực hiện mục tiêu giảm sử dụng các loại năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ Pháp đã có nhiều nỗ lực để hạn chế ảnh hưởng của việc thuế nhiên liệu tăng cao đối với người dân, như giảm thuế nhà, không áp dụng phí đường trong nội đô, hoãn áp dụng thuế đối với xe tải… Ông Macron hồi tuần trước đã có bài phát biểu về chiến lược năng lượng cho tương lai (PPE) nhằm 2 mục tiêu: Thực hiện được chính sách đầy tham vọng của chiến lược năng lượng đến năm 2035 mà vẫn tránh được những phản kháng của xã hội. Một số biện pháp chủ yếu được đưa ra như áp dụng cơ chế thuế tăng hoặc giảm thích ứng với tình hình biến động của giá dầu thô thế giới, tham khảo ý kiến người dân về chiến lược chuyển đổi năng lượng để tránh làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các vùng lãnh thổ…
Có thể thấy rõ đây là một thời kỳ khó khăn với Chính phủ Pháp và việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay tỏ ra hết sức khó khăn. Bản thân phong trào “Áo vàng” dù có số lượng ủng hộ đông đảo vẫn chưa thể tìm ra người đại diện hoặc phát ngôn viên chính thức, hình thức phản kháng mang tính tự phát và vô tổ chức..., những yếu tố đó đang cản trở các nỗ lực đối thoại. Có những đại diện ôn hòa của phe "Áo vàng" muốn đối thoại theo đề nghị của chính phủ, nhưng họ đã bị những phần tử cực đoan đe dọa. Khả năng kết nối với các đối tác như các đảng phái, dân biểu, chủ doanh nghiệp, công đoàn, hiệp hội... cũng không thực sự khả thi, cũng chưa có bên nào đủ uy tín có thể đứng ra làm trung gian hòa giải. Trong khi đó, phong trào phản đối của những người "Áo vàng" rõ ràng đang bị nhiều lực lượng lợi dụng.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Macron phải chịu áp lực và phải đương đầu với làn sóng phản kháng gay gắt trong xã hội khi ông triển khai loạt dự án cải cách tham vọng song cũng gây nhiều tranh cãi. Cuộc khủng hoảng xã hội lần này là một thách thức nữa đòi hỏi ông Macron phải tìm hướng giải quyết hiệu quả nếu vẫn muốn theo đuổi các dự án cải cách mà vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp cho rằng sẽ làm thay đổi cơ bản đất nước.