Obamacare, nợ nần và thảm họa

Sau 7 năm, chính quyền liên bang Mỹ lại bị buộc phải đóng cửa một phần, cũng vì một lý do: ngân sách. Cùng lúc này, Cục Dự trữ Liên bang cũng "cạn kiệt thủ thuật" vay mượn tiền bởi nợ công đã kịch trần. Nguy hiểm đã cận kề, vậy mà các nhà làm luật vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung đối với vấn đề tài chính.

Tổng thống Barack Obama đang cố gắng bảo vệ Luật Obamacare của mình, bất chấp việc chính phủ phải đóng cửa một phần. Ảnh: nationalinterest.org


Có quá nhiều vấn đề quan trọng còn mắc mứu trong trận chiến thẫm màu chính trị giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất lại xuất phát từ quy mô bộ máy tổ chức của chính quyền liên bang. Chi phí để duy trì hoạt động của bộ máy này chiếm tới 1/5 (tương đương với 22%) tổng sản phẩm quốc nội. Trong lúc đó, nợ quốc gia - khoảng 17 ngàn tỷ - giờ đã vượt quá tổng sản lượng kinh tế Mỹ.

Có thể nói, tất cả các chương trình hoạt động của chính phủ đều là những "máy ngốn tiền" ngân sách liên bang, và là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng nợ nần. Lĩnh vực tiêu tốn ngân quỹ mạnh nhất phải kể đến là chăm sóc sức khỏe, và "Đạo luật Chăm sóc Y tế bình dân" (được biết đến với tên gọi là Obamacare) có thể khiến chi tiêu vào lĩnh vực y tế Mỹ tăng thêm tới 15% trong vòng 10 năm. Nếu không được cải tổ, 3 nhân tố chủ chốt trong Obamacare gồm: an sinh xã hội, chăm sóc y tế (medicare) và hỗ trợ y tế (medicaid) sẽ ngốn hơn một nửa ngân quỹ của nước Mỹ vào cuối thập kỷ này. Vậy mà, có rất ít nhà làm luật chỉ ra được điều cơ bản đó.

Nội dung tranh cãi về ngân sách hiện nay gồm hai phần chính: Ngân quỹ dành cho Obamacare và các điều kiện để nâng trần nợ công.

Trong suốt mùa hè qua, bất đồng về ngân sách ở cả Hạ viện và Thượng viện đã khiến các nghị sĩ buộc phải chấp nhận sự thật rằng quá trình phân bổ ngân sách sẽ rơi vào bế tắc. Thay vì thông qua 12 dự luật chi tiêu riêng rẽ như quy trình thông thường, các nghị sĩ lại chỉ tập trung tìm cách thông qua một dự luật ngân sách tạm thời trước 30/9. Khi dự luật này không thể thông qua, chính phủ liên bang đã buộc phải đóng cửa một phần.

Đạo luật Obamacare chính là mấu chốt gây tranh cãi khiến quá trình phân bổ ngân sách thất bại. Cách thức mà Tổng thống Obama và các nghị sĩ phe Dân chủ ở Thượng viện gắng sức thúc đẩy việc thông qua đạo luật khi chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi, thậm chí cả sự thống nhất của cả hai đảng, đã vô tình dẫn đến những hậu quả trên. Kể cả khi được thông qua, đạo luật này chưa chắc sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, vì những tác hại phụ của nó, từ việc phí bảo hiểm cao hơn, thuế mới cao hơn, cho tới việc không còn chi phí chăm sóc y tế do chủ thuê chi trả cũng như giờ làm việc toàn thời gian (Luật Obamacare có thể khuyến khích các công ty mướn thêm người cao niên, thay thế các nhân công trẻ tuổi. Khi thuê mướn người cao niên, họ không phải lo trả bảo hiểm y tế, vì các nhân viên cao niên đã có Medicare. Họ có thể làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian mà không ảnh hưởng đến công ty, như trường hợp các nhân viên trẻ tuổi hơn. Khi thuê mướn nhân viên đã có bảo hiểm y tế, các công ty hãng xưởng không phải tốn kém chi phí bảo hiểm sức khoẻ, mà lại tránh khoản phạt vạ $2,000 mỗi người.)

Đây chính là những điểm khó khăn mấu chốt của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe. Luật này đã được thông qua dựa trên thượng lượng - một "cơ chế" thông qua ngân sách nhằm điều hòa những điểm khác nhau trong dự luật ngân sách của quốc hội và nhằm thực hiện những hướng dẫn giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng thay vào đó, các nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện lại cắt mất cơ chế này để đơn phương thông qua Obamacare dựa vào lợi thế chiếm đa số của mình. Lịch sử cho thấy, chưa có một chính sách xã hội nào, dù là Đạo luật Nhân quyền, An sinh Xã hội hay Đạo luật Y tế, bám trụ thành công trong hệ thống luật và chính sách của Mỹ mà thiếu sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Tổng thống Obama và các đồng minh của ông cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa trong việc tìm nguồn tài lực để đạo luật trên được thực thi, cho nên cơ sự mới ra nông nỗi này. Hạ viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số đã liên tục thông qua các đạo luật khác, ngoại trừ Obamacare, còn Thượng viện, nơi phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát thì liên tiếp từ chối các luật đó, nếu thiếu Obamacare.

Giờ đây, Hạ viện đang nỗ lực từng bước tái mở cửa chính phủ, nhằm hạn chế tình trạng đóng cửa gia tăng, mà không phải duyệt chi cho Obamacare. Ngược lại, Thượng viện và Tổng thống vẫn một mực từ chối cách tiếp cận này. Mặc dù đã phải thay đổi hơn chục điều khoản cũng như đơn phương trì hoãn một số phần của đạo luật này, Tổng thống Obama và các đồng minh vẫn khẳng định rằng nếu muốn chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện nay của chính phủ, Hạ viện cần phải thông qua toàn bộ ngân sách dành cho Obamacare.

Trong lúc này, các quan chức chính phủ đang cố gắng vận dụng hết các biện pháp đặc biệt cho phép Bộ Tài chính tiếp tục trả nợ đúng hạn, mặc dù nợ đã kịch trần vào ngày 19/5/2013.


Thực chất, câu chuyện này đã được bắt đầu từ năm 2011, khi mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn Luật Kiểm soát Ngân sách (BCA). BCA quy định chính phủ buộc phải giảm mức chi tiêu (chẳng hạn 2,1 ngàn tỷ USD) tương ứng với mức nợ tương tự. Vấn đề ở đây là: các khoản cắt giảm chi tiêu sẽ được chia thành chu kỳ 10 năm, trong lúc trần nợ mới sẽ bị chạm vào khoảng thời gian dưới 1 năm rưỡi. Hơn nữa, bộ luật này lại tạo điều kiện để các khoản chi tiêu (2,1 ngàn tỷ USD) như vậy gần như không được kiểm duyệt, nghĩa là các khoản thâm hụt mãn tính cứ thế tiếp tục chất chồng theo thời gian. Nếu không được cải tổ, thâm hụt tăng trưởng sẽ đòi hỏi trần nợ phải được nâng lên nhiều hơn, khiến cho các thế hệ con cháu người Mỹ sau này phải chất lên vai gánh nặng nợ nần khủng khiếp.

Đến lúc này, người dân Mỹ nhận ra rằng chính phủ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép là: bội chi và nợ nần. Điều này giải thích lý do tại sao gần 2/3 người dân Mỹ tin rằng quốc hội sẽ cắt giảm chi tiêu trước khi nâng trần nợ (theo hãng tin Bloomberg).

Mặc dù vậy, tới tận thời điểm này, Tổng thống Obama vẫn từ chối đàm phán với quốc hội nhằm xác định các khoản chi tiêu bị cắt giảm và những biện pháp cải tổ phải được áp dụng trước khi nâng trần nợ.

Đây thực sự là một câu chuyện buồn. Trong khi nước Mỹ đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chính lù lù trước mặt, thì các nhà làm luật vẫn chưa chịu cũng nhau tiến hành một kế hoạch tin cậy để giải quyết vấn đề. Người dân Mỹ thì ngày càng chán nản với việc chờ xem bế tắc liên quan tới Obamacare và trần nợ sẽ kết thúc như thế nào.


Lê Hoàng
Mỹ vỡ nợ sẽ làm rung chuyển kinh tế thế giới
Mỹ vỡ nợ sẽ làm rung chuyển kinh tế thế giới

Ông Jose Vinals, cố vấn tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vừa khuyến cáo việc Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc hội đang bị chia rẽ của nước này không nhất trí nâng trần nợ công sẽ tác động rất nghiêm trọng tới sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN