Cuộc chiến ngân sách ở Mỹ đã bước sang tuần thứ hai nhưng cho đến sáng 9/10, Nhà Trắng và Quốc hội vẫn chưa tìm được đồng thuận để tháo gỡ thế bế tắc. Cuộc chiến không tiếng súng này đã khiến hầu hết các cơ quan chính phủ phải đóng cửa và hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, điều người ta lo lắng nhất hiện nay không phải là việc các cơ quan chính phủ sẽ bị đóng cửa trong bao lâu mà là nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiến gần tới nguy cơ bị vỡ nợ.
Các nước châu Á lo lắng khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: CNN
|
Trong bối cảnh đó, nhiều chủ nợ của Mỹ, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, đã không còn giữ được sự bình tĩnh. Vào đầu tuần này, cả Bắc Kinh và Tokyo đều đã lên tiếng kêu gọi Washington nhanh chóng nâng trần nợ công để giúp cho nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợNguy cơ Mỹ lần đầu tiên bị vỡ nợ đang lớn dần khi vào đầu tuần này, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã bác bỏ khả năng tổ chức bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp này về một dự luật nhằm nâng trần nợ công nếu Tổng thống Barack Obama không nhượng bộ. Phát biểu trên truyền hình, ông Boehner khẳng định “sẽ không có bất cứ cuộc bỏ phiếu nào tại Hạ viện để nâng trần nợ công”.
Ông Boehner đổ lỗi cuộc khủng hoảng hiện nay cho việc Tổng thống Obama từ chối thương lượng. Vị Chủ tịch Hạ viện này nhấn mạnh Tổng thống Obama phải thương lượng nếu ông ấy muốn chấm dứt tình trạng các công sở liên bang bị đóng cửa và ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ.
Hiện tại, phe Cộng hòa đang đòi Chính phủ cắt giảm chi tiêu và sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (mà nhiều người vẫn gọi là ObamaCare) để đổi lấy việc nâng trần nợ công và khôi phục hoạt động của các cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn kiên quyết phản đối những yêu sách như vậy.
Trong bối cảnh cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội vẫn chưa có hồi kết, hôm 6/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã lên tiếng cảnh báo vào ngày 17/10, thời điểm ông sử dụng hết các thủ thuật kế toán để cho phép Chính phủ tiếp tục vay nợ, nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ sẽ xảy ra. Phát biểu trên truyền hình hôm 6/10, Bộ trưởng Lew nói: “Tôi đã nói với các bạn rằng vào ngày 17/10, chúng ta sẽ hết khả năng vay nợ, và Quốc hội đang đùa với lửa”.
Theo Bộ trưởng Lew, vào ngày 17/10, Bộ Tài chính sẽ chỉ còn 30 tỷ USD tiền mặt, trong khi các khoản chi tiêu của Chính phủ trong một ngày có thể lên tới 60 tỷ USD. Vì vậy, Bộ trưởng Lew kêu gọi các nghị sỹ nhanh chóng thông qua các dự luật nhằm khôi phục hoạt động của chính phủ và nâng trần nợ công.
Trước đó, hôm 3/10, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chi tiết về các kịch bản có thể xảy ra nếu Chính phủ thực sự mất khả năng trả nợ, trong đó Bộ này khẳng định việc Chính phủ Mỹ bị vỡ nợ “có khả năng trở thành thảm họa”. Báo cáo có đoạn: “Các thị trường tín dụng có thể bị đóng băng, đồng USD có thể sẽ mất giá mạnh, lãi suất có thể tăng chóng mặt, các ảnh hưởng tiêu cực khác có thể lan rộng ra khắp thế giới”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình rằng việc Chính phủ Mỹ mất khả năng trả nợ sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực, nhất là nếu thế bế tắc hiện nay không được giải quyết một cách nhanh chóng. Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của công ty Moody's Analytics nói việc Mỹ bị vỡ nợ sẽ là cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm các thị trường tài chính ở Mỹ và trên khắp thế giới. Những người nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ đòi lãi suất cao hơn và do vậy, Mỹ sẽ phải chi hàng trăm tỷ USD để trả lãi suất cho các khoản nợ công trong những năm tới.
Các chủ nợ châu Á mất bình tĩnhSau một thời gian “nín thở” theo dõi cuộc chiến ngân sách ở Mỹ, nhiều chủ nợ của Washington đã không còn giữ được bình tĩnh. Họ đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về thế bế tắc trong cuộc chiến ngân sách hiện nay ở Mỹ và hối thúc Washington dốc toàn lực để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.
Phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh ngày 7/10, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nói: “Mỹ nhận thức một cách rõ ràng các quan ngại của Trung Quốc về tình trạng bế tắc về ngân sách hiện nay cũng như yêu cầu của chúng tôi đối với Mỹ về việc bảo đảm sự an toàn các khoản đầu tư của Trung Quốc”.
“Chúng tôi yêu cầu Mỹ nhanh chóng thực thi các biện pháp để giải quyết các vấn đề chính trị liên quan tới vấn đề trần nợ công một cách kịp thời và ngăn ngừa khả năng Mỹ bị vỡ nợ để đảm bảo an toàn cho vốn đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ”, quan chức này nhấn mạnh. “Đó là trách nhiệm của Mỹ”.
Trên thực tế, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng như vậy. Lý do chủ yếu là Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ vào tháng 9/2008 và hiện đang nắm giữ một lượng tài sản khổng lồ được định giá bằng USD. Nếu Chính phủ Mỹ bị vỡ nợ, số tài sản này sẽ bị mất giá nghiêm trọng.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, vào thời điểm tháng 7/2013, Trung Quốc đang nắm giữ ít nhất 1.280 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Con số thực tế có thể cao hơn bởi vì, Bắc Kinh còn nắm giữ nợ công của Mỹ thông qua các tổ chức trung gian. Theo tờ “The Independent” của Anh, Bắc Kinh nắm giữ tổng cộng khoảng 3.500 tỷ USD tài sản được định giá bằng đồng USD.
Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản – chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ - cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về thế bế tắc chính trị hiện nay ở Mỹ, đồng thời kêu gọi cần sớm có giải pháp cho vấn đề này tại hội nghị sắp tới của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20).
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Finance Minister Taro Aso nhấn mạnh giá trị tuyệt đối của trái phiếu kho bạc Mỹ mà Chính phủ Nhật Bản đang nắm giữ có thể sẽ giảm nếu vấn đề ngân sách ở Mỹ không được giải quyết.