Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (áo trắng, giữa). Ảnh: WSJ
|
Trong bài bình luận trên tờ Wall Street Journal mới đây, tác giả Andrew Browne cho rằng, ở Philippines, quan điểm phổ biến về Mỹ xoay chiều giữa tình cảm yêu mến và sự oán giận đau khổ, bắt nguồn từ một quá khứ thực dân tàn bạo; các lực lượng chinh phục người Mỹ đã phát minh ra hình thức tra tấn mà nạn nhân bị trói chặt và bị dội nước vào mặt đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này hơn một trăm năm trước đây.
Một di sản của lịch sử này đã được thể hiện trong tiếng địa phương mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã sử dụng để thóa mạ ông Obama: “putang ina in Tagalog - đồ con hoang” trong một cuộc họp báo ở Davao hôm 5/9. Ông Duterte đã rất tức giận khi một phóng viên hỏi ông dự tính sẽ trả lời Tổng thống Obama về các vụ giết hại không qua xét xử như thế nào nếu coi đó như một sự vi phạm nhân quyền.
Ông Duterte dường như có vẻ liều lĩnh khi xúc phạm đến người bảo vệ và nhà cung cấp vũ khí số 1 của Manila khi Philippines là một quốc gia quần đảo với một lực lượng hải quân hầu như không đáng tin cậy và đang bị các đội tàu của Trung Quốc chèn ép. Đây không phải là lần đầu tiên mà Mỹ cảm thấy bị chọc tức bởi nhà chính trị dân túy lãnh đạo một quốc gia đồng minh thân cận châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khiến ông Obama rất đau đầu trong nhiệm kỳ của mình khi thăm viếng đền Yasukuni ở Tokyo, khiến Trung Quốc tức giận.
Có lẽ ông Duterte đang thúc đẩy một quy tắc chính sách đối ngoại độc lập hơn để cân bằng giữa các cam kết liên minh với Mỹ và mong muốn khôi phục quan hệ với Trung Quốc vốn đã bị đóng băng, sau khi người tiền nhiệm của ông là Benigno Aquino III kiện lên Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) liên quan đến yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Duterte đã thừa hưởng một chiến thắng pháp lý tuyệt vời ngay sau khi nhậm chức năm nay, nhưng ông có vẻ không chắc chắn phải làm gì với chiến thắng này.
Ông Duterte có thể khẳng định rằng Manila sẽ chỉ đàm phán với Bắc Kinh trên cơ sở phán quyết của Tòa Trọng tài, vốn chỉ trích Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines. Hoặc ông có thể sử dụng phán quyết như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về chia sẻ nguồn tài nguyên-thủy hải sản và năng lượng ngoài khơi bờ biển Philippines. Hay ông có thể hoàn toàn nhượng bộ và đặt phán quyết sang một bên với hy vọng rằng điều này sẽ mở ra một làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực quê hương của ông ở Mindanao. Thật khó để dự đoán ông Duterte, người sau đó đã bày tỏ sự hối tiếc về lời bình luận trên của mình, sẽ hành động thế nào; trong khi Trung Quốc luôn muốn giành thắng lợi từ thế thất bại với một thỏa thuận mà có thể khiến cho phán quyết của Tòa Trọng tài gần như biến mất.
Các phụ tá của Tổng thống Philippines cho biết, là thị trưởng lâu năm của thành phố Davao, ông Duterte không bao giờ chống Trung Quốc, và đã có những tình cảm chống Mỹ kể từ một vụ nổ bom bí ẩn trong một khách sạn địa phương vào năm 2002. Một công dân Mỹ đã bị cáo buộc trong vụ việc đó nhưng đã trốn khỏi Philippines. Ông Duterte cho rằng đó là một âm mưu của CIA.
Khi nước Mỹ đang xây dựng hệ thống liên minh của mình ở châu Á trong thời Chiến tranh lạnh, vấn đề nhân quyền hầu như không còn là một mối quan tâm. Washington đã hỗ trợ một loạt những người thiên về bạo lực chính trị từ Park Chung hee ở Hàn Quốc đến Tưởng Kinh Quốc tại Đài Loan và Ferdinand Marcos ở Philippines.
Nhưng vấn đề nhân quyền có thể sẽ là một điều gây khó chịu gay gắt và dai dẳng trong quan hệ Mỹ-Philippines dưới thời ông Duterte. Cuộc chiến chống ma túy là dấu hiệu chính trị đặc trưng của ông ở Davao. Đó là điều khiến ông nổi tiếng tại Philippines hiện nay và là một căn nguyên về tính hợp pháp cho một nhà lãnh đạo ăn nói thô tục, lạc lõng giữa các tầng lớp tinh hoa ở Manila.
Mỹ đang theo dõi ông Duterte một cách thận trọng, vì Philippines là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, nhằm kiềm chế sức mạnh ngày càng tang của Trung Quốc, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra trên boong của một tàu chiến Mỹ ở Vịnh Manila. Các lực lượng Mỹ, vốn đã bị đuổi khỏi căn cứ hải quân ở Vịnh Subic năm 1992, một năm sau khi mất Căn cứ không quân Clark gần đó vì một ngọn núi lửa, hiện nay đã trở lại với số lượng nhỏ hơn trên cơ sở luân phiên.
Một vấn đề có thể sẽ hữu ích đối với Washington là ông Duterte có quan điểm ôn hòa với Nhật Bản; các doanh nghiệp Nhật Bản đã đổ vốn đầu tư vào Davao. Tại Lào, các ông Abe và Duterte hôm 7/9 vừa qua đã đạt được một thỏa thuận để Nhật Bản cung cấp cho Philippines hai tàu tuần tra và cho mượn năm máy bay trinh sát.
Một số nhà phân tích coi Nhật Bản đóng vai trò cầu nối giữa Washington và Manila.
Trung Quốc có lẽ cũng sẽ theo dõi mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Abe và Duterte với sự kinh ngạc. Đối với Washington, hy vọng tốt nhất trong ngắn hạn có thể là một giải pháp trung dung giữa xu hướng chọc tức Bắc Kinh của ông Abe và khuynh hướng xoa dịu Trung Quốc của ông Duterte.