Ông Joe Biden đang xem xét bổ nhiệm người đứng đầu đặc trách châu Á tại Nhà Trắng. Năm nguồn thạo tin tham gia quá trình thảo luận nội bộ trong nhóm đặc trách chuyển giao quyền lực của đảng Dân chủ cho biết ông Biden đang thiên về khả năng thành lập vị trí mới này và đặt trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
Bổ nhiệm nhân sự cấp cao vào cương vị mới này cho thấy chính sách đối ngoại của chính quyền Joe Biden dành ưu tiên cho châu Á. Ông Biden từng nhiều lần tuyên bố châu Á-Thái Bình Dương là khu vực mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng là nơi lợi ích và giá trị của Mỹ đang bị thách thức mạnh.
Công việc chọn nhân sự đặc trách châu Á nhiều khả năng sẽ được giao cho Jake Sullivan – người mới được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Dù ai giữ vị trí này cũng sẽ phải đối mặt với một thực tế: quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng, phức tạp hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và so với thời điểm ông Biden vẫn còn là Phó Tổng thống 4 năm trước. Một khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải đối diện với một loạt các vấn đề nhạy cảm.
Những thách thức này xuất hiện trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đạt được đồng thuận lưỡng đảng về việc ông Biden phải thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Một nguồn thạo tin cho biết cuộc thảo luận về vị trí mới này vẫn chưa kết thúc, chưa có kết luận cuối cùng.
Một khả năng đang được nói đến nhiều là ý tưởng chỉ định 3 quan chức cấp cao có cấp tương đương với Giám đốc chính sách tại Hội đồng An ninh Quốc gia, chuyên theo dõi ba khu vực địa lý ở châu Á-Thái Bình Dương.
Cả ba người này đều nằm dưới quyền chỉ đạo của quan chức đặc trách châu Á – một dạng đặc phái viên. Một người sẽ theo dõi tình hình Trung Quốc, một người điều phối quan hệ Mỹ-Ấn và người còn lại đặc trách tình hình Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Jeff Prescott, quan chức trong đội chuyển giao quyền lực của ông Biden, là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ mới phụ trách châu Á. Ông Prescott hồi tháng 10 vừa qua từng nói rằng chính quyền Biden sẽ xây dựng lại các liên minh, coi đây là bước quan trọng trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các nước nhằm đối phó với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ định một nhân sự mới ở vị trí đặc trách châu Á sẽ gửi đi tín hiệu tích cực tới các đối tác của Mỹ, những người từng thất vọng trước việc ông Trump hủy hoại các nền tảng liên minh.
Trước đó, ông Joe Biden đã chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên phụ trách công tác chống biến đổi khí hậu, như là cách để gửi tới thế giới thông điệp nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ thực thi cam kết về chống biến đổi khí hậu. Nhiều chuyên gia am hiểu chính sách đối ngoại nhìn nhận, việc lựa chọn thêm một nhân sự “đặc trách” châu Á tại Nhà Trắng hay Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ giúp ông Biden tránh vấp phải những sai lầm trong chính sách châu Á của ông Obama.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra ngờ vực, cho rằng bước đi này sẽ tiềm ẩn nguy cơ tạo thêm tầng nấc quan liêu, hành chính, thúc đẩy xu thế đấu đá “cái tôi” trong nội các của ông Biden khi tất cả cùng ngồi vào bàn đàm phán. Một cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ ví von, lập vị trí “đặc trách châu Á” chẳng khác nào việc tạo ra “một bến đỗ mới trên hành trình xe buýt liên hệ thống”, sẽ làm chậm tiến trình ra quyết định.
Về dàn cố vấn chiến lược, ông Biden đang dần hoàn tất bộ khung nhân sự về đối ngoại và an ninh quốc gia. Ngoài ông Sullivan được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Biden cũng đã chọn Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng. Nhiều khả năng ông Biden sẽ đề cử Ely Ratner, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và có quan điểm chống Trung Quốc vào nội các mới, giữ một vị trí cấp cao nào đó. Kelly Magsamen, cựu quan chức Lầu Năm Góc, được đồn đoán sẽ đảm trách công việc quan trọng liên quan đến châu Á.