Cùng với loạt bài bình luận về khoảng thời gian “nước rút” cuối cùng này của ông Obama, mạng tin "Yahoo News" cũng khẳng định: “Trong những tháng cuối ở Nhà Trắng, ông Obama sẽ tô đậm thêm bước đi lịch sử tiếp cận Cuba của mình bằng cách sử dụng các quyền hành pháp để thúc đẩy trao đổi thương mại và văn hóa”. Mạng tin này dẫn lời một số quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng sẽ gia tăng sức ép lên Quốc hội (hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát) nhằm dỡ bỏ hạn chế công dân Mỹ tới Cuba và có thể đưa ra một quyết định “mạo hiểm” là bổ nhiệm một Đại sứ chính thức tại La Habana.
Kể từ khi được mở cửa lại vào ngày 20/7/2015, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba vẫn chỉ hoạt động với Đại biện lâm thời Jeffrey DeLaurentis trong khi Cuba đã bổ nhiệm Đại sứ tại Washington. Quyết định bổ nhiệm Đại sứ của Mỹ sẽ là một bước đi mang tính biểu tượng quan trọng trong quan hệ song phương Mỹ - Cuba, chính thức khép lại chương cắt đứt quan hệ ngoại giao song phương từ năm 1961.
Tổng thống Barack Obama hội đàm với Chủ tịch Raul Castro trong chuyến thăm chính thức Cuba hồi tháng 3/2016. |
Về nhân sự, ngoài ông DeLaurentis - một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm - còn có một ứng cử viên sang giá khác cho chức danh Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Cuba sau hơn nửa thế kỷ là cựu Bộ trưởng Thương mại Carlos Gutiérrez. Là người gốc Cuba và là đảng viên đảng Cộng hòa, ông Gutiérrez từng có quan điểm rất cứng rắn với Cuba nói riêng và các nước cánh tả nói chung khi còn đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ trong chính quyền George Bush, thậm chí ông còn làm đồng Chủ tịch một ủy ban về chuyển tiếp chế độ ở Cuba. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thái độ của ông Gutiérrez đối với chính quyền cách mạng tại đảo quốc quê hương đã có thay đổi bước ngoặt và trở thành một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất chiến lược hiện tại của phe Dân chủ Mỹ đối với Cuba.
Mặc dù cuộc chiến nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho chức danh này sẽ gặp "rất nhiều chông gai" nhưng nhìn chung chính sách của chính quyền Obama với Cuba là khá "thuận lòng dân" nên các nghị sĩ đảng Cộng hòa cực đoan sẽ tự đánh mất hình ảnh với số đông cử tri nếu khăng khăng từ chối phê chuẩn một nhà ngoại giao uy tín như ông DeLaurentis và nhất là một chính khách có tiếng tăm và cùng đảng Cộng hòa với họ như ông Gutiérrez.
Một “bất ngờ” khác mà ông Obama có thể đưa ra trong 100 ngày cầm quyền cuối cùng là việc nới lỏng hạn chế đi lại đối với công dân Mỹ tới Cuba và mở rộng trao đổi thương mại. Do không được tự do du lịch Cuba, những công dân Mỹ (trừ những kiều dân Cuba) chỉ có thể tới đảo quốc vùng Caribe này theo 1/12 hình thức làm việc chính thức hoặc trao đổi, giao lưu nhân dân theo quy định. Quyết định nới lỏng lần trước đã cho phép các công ty lữ hành trở thành nơi ghi nhận đăng ký của các công dân Mỹ tới Cuba theo 1/12 hình thức nói trên thay cho các cơ quan chính phủ, nhưng các công ty này vẫn phải báo cáo các bộ và nộp chương trình đoàn đi đảm bảo có các hoạt động giao lưu, trao đổi. Hiện tại, việc nới lỏng có thể tới mức bỏ việc giám sát của các cơ quan cấp bộ đối với hoạt động đăng ký với các công ty lữ hành trên, để biến lệnh cấm du lịch Cuba, dù còn hiệu lực, chỉ còn là “vỏ rỗng ruột”.
Bên cạnh đó, ông Obama cũng có thể sẽ thực hiện những sự điều chỉnh để có thể tận dụng tốt hơn các biện pháp nới lỏng trước đây trong việc gửi kiều hối từ Mỹ về Cuba và xác lập quan hệ với các doanh nghiệp tư nhân của Cuba, nhằm nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước và tìm kiếm thêm các hoạt động khác bên cạnh lĩnh vực gần như duy nhất hiện tại là Mỹ xuất khẩu nông sản và lương thực sang Cuba. Tóm lại, Tổng thống Obama sẽ tìm cái kết đẹp cho một chính sách được hoan nghênh rộng rãi mà ông đã mở ra, mặc dù trong số các bước đi mang tính biểu tượng có thể có, báo mạng “Diario del Deshielo” vẫn loại trừ khả năng La Habana và Washington đang thu xếp một chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Cuba Raúl Castro tới Mỹ.