Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do gồm 12 quốc gia thành viên, là một phần không thể tách rời trong chiến lược tái cân bằng tới châu Á của Mỹ. Nếu được thiết lập, TPP sẽ đóng góp 40% GDP thế giới và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Mục đích đằng sau việc thành lập TPP là tạo ra một tập hợp các quy tắc thương mại toàn cầu. TPP sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về dòng dữ liệu tự do và sở hữu trí tuệ cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và quản lý/điều hành.
Tổng thống Barack Obama tới thuyết phục các hạ nghị sĩ ủng hộ dự luật TPA trước phiên bỏ phiếu tại Hạ viện ở Washington, DC., ngày 12/6. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Mặc dù các cuộc đàm phán về TPP đã bắt đầu vào năm 2005, nhưng vẫn chưa kết thúc. Đặc biệt, các quốc gia cũng phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Mỹ, nước đã tham gia đàm phán TPP từ năm 2008.
Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội Mỹ trao Quyền đàm phán nhanh hay còn gọi là Quyền xúc tiến thương mại (TPA) để kết thúc các cuộc đàm phán về TPP. Nếu TPA được thông qua, sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. TPA đã từng được sử dụng trước khi ký kết các hiệp định thương mại khác. Ví dụ, Quyền đàm phán thương mại năm 2002 được sử dụng để kết thúc thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Chile, Singapore, Australia và Bahrain. TPA này đã hết hiệu lực vào năm 2007, buộc ông Obama phải tìm cách khôi phục quyền trên nhằm tạo ra động lực cần thiết để đảm bảo rằng các cuộc đàm phán về TPP được thông qua.
Nhưng động thái này đã gặp sự phản đối tại Quốc hội Mỹ. Sự phản đối chủ yếu lại đến từ đảng Dân chủ của Tổng thống Obama vì họ cảm thấy TPP có thể gây ảnh hưởng tới quyền lập hiến của Quốc hội về chính sách thương mại. Vì vậy, hơn 150 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã viết một bức thư cho Tổng thống Obama nói rằng họ sẽ không ủng hộ việc trao cho Tổng thống quyền đàm phán nhanh về TPP. Một vấn đề khác cũng đang nhận được sự chỉ trích đó là việc công chúng Mỹ không được cung cấp văn bản thỏa thuận dự thảo về TPP. Mặc dù các thành viên của Quốc hội có thể đọc thỏa thuận dự thảo trên, nhưng họ chỉ có thể làm điều này dưới những quy định rất ngặt nghèo. Hơn nữa, họ không được phép công khai thảo luận về những gì họ đã đọc. Các ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ như Bernie Sanders và Martin O'Malley đã phản đối thỏa thuận này trong khi ứng viên hàng đầu, bà Hillary Clinton, hiện đang có quan điểm “lập lờ” về TPP.
Nhưng điều thực sự khiến đảng Dân chủ phản đối lại đến từ sự kháng cự của Liên đoàn lao động Mỹ vì lo ngại TPP sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp ở Mỹ. Ngoài ra còn có lo ngại rằng, TPP có thể khiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Thượng nghị sĩ Warren cho rằng những thỏa thuận như vậy chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty đa quốc gia. Những người khác phản đối TPP trong đó có các nhóm về môi trường như Sierra Club e ngại rằng hiệp định này có thể gây ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các loài như cây, cá và động vật hoang dã. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) như Tổ chức Bác sĩ không Biên giới thì lo ngại rằng TPP sẽ "hạn chế sự tiếp cận với thuốc cùng dòng, khiến hàng triệu người không kham nổi các đơn thuốc", trong khi Liên hiệp Người tiêu dùng quan ngại hiệp định này sẽ làm tăng giá thuốc theo toa. Những người phản đối thỏa thuận này cũng đã gửi cho các nhà lập pháp Mỹ một bản kiến nghị với 2 triệu chữ ký.
Những người phản đối cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một vài công ty Mỹ vốn lo sợ rằng họ sẽ không thể đối phó với sự cạnh tranh từ các nước khác. 250 công ty công nghệ đã viết một bức thư cho Quốc hội Mỹ chỉ trích TPP. Như vậy, đã xuất hiện một liên minh rộng rãi những người phản đối TPP.
Trong khi đó, ông Obama giải thích rằng TPP sẽ tạo việc làm có thu nhập tốt, hỗ trợ tốc độ tăng lương và thúc đẩy tăng trưởng tại Mỹ cũng như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đã thúc đẩy hiệp định này khi mô tả nó như là "thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất trong lịch sử" và lập luận rằng TPP sẽ hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng được sản xuất tại Mỹ bằng cách loại bỏ các rào cản thuế quan kiềm chế thương mại và đơn giản hóa thủ tục hải quan, thực thi các quyền lao động cơ bản, thúc đẩy bảo vệ môi trường mạnh mẽ, và nâng cao tính minh bạch cùng các quy định để giúp các công ty Mỹ tham gia và hưởng lợi từ sự gia tăng thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Obama cũng từng nói rằng lợi ích mà thỏa thuận này mang lại lớn hơn nhiều so với những thiệt hại mà nó tạo ra.
Trớ trêu thay, đối với Tổng thống Obama, trong khi thúc đẩy việc thông qua TPP, những người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất lại không phải từ đảng Dân chủ mà lại là các nghị sĩ đến từ đảng Cộng hòa, những người mà ông từng có một mối quan hệ khá căng thẳng. TPP có thể là vấn đề duy nhất mà đảng Cộng hòa và ông Obama tìm thấy sự tương đồng, nhờ vào sự ủng hộ mang tính truyền thống của đảng Cộng hòa về tự do hóa thương mại.
Sự phản đối của đảng Dân chủ là khá mạnh mẽ bởi vì ngay từ đầu họ đã ngăn cản việc xem xét quyền đàm phán nhanh về TPP tại Thượng viện (để quyền này này được thông qua phải cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ trong khi 44 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ trên tổng số 100 thành viên Thượng viện phản đối). Mặc dù Thượng viện Mỹ sau đó đã thông qua dự luật quyền đàm phán nhanh, nhưng giờ đây ông Obama cần phải nhận được sự chấp thuận của Hạ viện. Tổng thống Obama đã vận động mạnh mẽ để đạt được điều này vì ông cần ít nhất 20 phiếu ủng hộ từ đảng Dân chủ, cộng với một số phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do và ông Obama có thể có được TPA để xúc tiến nhanh các cuộc đàm phán khi mà cả Hạ viện và Thượng viện đều nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, như một bài xã luận của tờ Washington Post thừa nhận, các cuộc tranh luận về TPP và sự phản đối mà ông Obama phải đối mặt từ đảng Dân chủ cho thấy những người theo chủ nghĩa dân túy trong Đảng Dân chủ, đại diện bởi Thượng nghị sĩ Warren, đang trở nên mạnh mẽ hơn. Sẽ là khá thú vị để xem điều này diễn ra thế nào trong cuộc bầu cử sắp tới.