Giới phân tích nhận định, khả năng kiểm soát hành chính của ông Suga kết hợp với sự yếu kém của phe đối lập đã giúp ông giành được quyền lãnh đạo LDP và gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử tới.
Trước thời ông Junichiro Koizumi nắm quyền (4/2001-9/2006), Nhật Bản từng chứng kiến sự đổi vai của 6 đời thủ tướng trong vòng 6 năm, tức mỗi đời nội các chỉ tồn tại được khoảng một năm. Ông Shinzo Abe là người mang lại sự ổn định, với 8 năm lãnh đạo đất nước và trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản. Thách thức hiện nay thuộc về người kế nhiệm Yoshihide Suga, với câu hỏi liệu ông có khả năng đi tiếp con đường của ông Abe hay không.
“Nếu có ai đó có cơ hội phá ‘lời nguyền’, người đó là ông Suga. Khả năng kiểm soát nền hành chính cùng mối quan hệ tốt đẹp với liên minh cầm quyền cũng như mong đợi của công chúng Nhật Bản không muốn nền chính trị rơi vào vòng xoáy thay đổi lãnh đạo – tất cả đều cho thấy Yoshihide Suga ở vào vị trí thuận lợi để đảm nhận nhiệm kỳ cho riêng mình vào năm tới”, Tobias Harris, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Teneo Intelligence bình luận.
Ông Suga, 71 tuổi, sẽ khởi động việc nắm quyền trong quãng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, dù một số thành viên trong LDP đề cập đến viễn cảnh tân Thủ tướng có thể kêu gọi tiến hành bầu cử sớm để có được tính thực quyền chính danh trong bối cảnh phe đối lập còn yếu.
Bất chấp nền kinh tế bị tổn hại nặng nề bởi đại dịch, ông Suga được thừa hưởng di sản về một đất nước Nhật Bản tương đối ổn định: Shinzo Abe đã từng bước cải thiện quan hệ rạn nứt giữa Nhật Bản với Trung Quốc, duy trì, bảo vệ lợi ích kinh tế và quân sự cho Tokyo sau khi ông Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, xoa dịu những lo ngại trên các thị trường tài chính. Giới đầu tư không có phản ứng nghịch trước chiến thắng của ông Suga hôm 14/9 - như một biểu hiện tin tưởng ông sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế của người tiền nhiệm (Abenomics).
Chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu chọn cũng là dấu hiệu cho thấy ông Suga có khả năng điều phối các phe phái chính trị trong LDP. Nội bộ LDP gần như đoàn kết xung quanh Yoshihide Suga ngay sau thời điểm ông Abe tuyên bố ý định từ nhiệm vì lý do sức khỏe vào cuối tháng 8 vừa qua. Thay vì đấu đá căng thẳng, lãnh đạo các phái chính trị trong LDP thiên về một hệ thống bầu cử theo hướng có lợi cho ông Suga và chỉ sau hai ngày ông đã có đủ số phiếu bầu để có chiến thắng áp đảo.
Không đứng đầu một phái chính trị nào trong LDP, nhưng ông Suga lại có được kỹ năng của một người giỏi kết nối sau hậu trường nhờ kinh nghiệm tích lũy được trong gần 8 năm làm Chánh Văn phòng Nội các. Yoshihide Suga có quan hệ chặt chẽ với một số nhân vật cấp cao như Toshihiro Nikai, thủ lĩnh nhóm có ảnh hưởng lớn thứ 3 trong LDP, kiêm Tổng thư ký LDP.
Cách lựa chọn, sắp xếp nhân sự cũng cho thấy ông Suga muốn duy trì sự ổn định. Theo truyền thông Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso - người đứng đầu phái chính trị lớn thứ hai trong LDP, sẽ tiếp tục tại vị trong chính phủ mới. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cũng sẽ đảm nhận vị trí hiện tại. Ông Nikai sẽ vẫn giữ chức tổng thư ký LDP, còn cựu Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimomura dự kiến sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Chính sách.
Ông Suga cũng có nhiều ưu thế so với những đời Thủ tướng Nhật Bản trước ông Shinzo Abe, số nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của công chúng do những chính sách sai lầm hay bê bối cá nhân. Trong vòng 50 năm trước khi ông Abe lên nắm quyền, mỗi Thủ tướng Nhật Bản trung bình chỉ tại vị được hai năm.
“Tôi không nghĩ là có sự thay đảo vai nhanh chóng ở cương vị thủ tướng. Đây là xu thế phổ biến của thời kỳ trước, mà lý do nằm ở chỗ các thủ tướng có vị thế yếu kém trong nội bộ đảng, tạo điều kiện để các phe nhóm quyền lực thay đổi lãnh đạo”, Yu Uchiyama, giáo sư tại Đại học Tokyo nhìn nhận.
Với việc LDP gần như chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc bầu ở bất kỳ thời điểm nào tới đây, ông Suga có thể bước vào cuộc bầu cử nội bộ đảng năm 2021 với ưu thế lớn, mở đường để ông có một nhiệm kỳ nữa.