Theo kết quả sơ bộ vừa công bố đêm 12/5, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML- N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, đã dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 11/5, chủ yếu nhờ thắng lớn tại hai thành phố thành trì của đảng này là Lahore và Sargodha thuộc Punjab, tỉnh đông dân nhất Pakistan và là quê hương của ông. Ông Sharif đã tuyên bố thắng cử và tính đến chuyện thành lập chính phủ.
Như vậy, chính khách Nawaz Sharif, người từng bị thất sủng sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999, bị bắt giam và sống lưu vong ở nước ngoài, sẽ giành lại chiếc ghế Thủ tướng và ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử Pakistan ba lần giữ chức vụ quan trọng này.
Cựu Thủ tướng Nawaz Sharif vẫy chào những người ủng hộ mừng chiến thắng tại thành phố Lahore. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Với khẩu hiệu “Nền kinh tế mạnh – Pakistan mạnh” và làn sóng bất bình của người dân đối với chính phủ PPP lên tới cao trào, ông Sharif đã nổi lên thành nhân vật được mến chuộng trong cuộc tổng tuyển cử tại Pakistan, tỏa sáng hơn cả “thần tượng” chính trị mới – ngôi sao Cricket Imran Khan, người cũng tập hợp được đông đảo sự ủng hộ của cử tri, nhất là giới trẻ.
Đối với ông Sharif, người đã hai lần làm Thủ tướng trong những năm 90 của thế kỷ 20, việc đương đầu với môi trường chính trị vốn luôn khốc liệt tại Pakistan là điều không mới, nhưng hiện giờ là năm 2013, chứ không còn là những năm 90 của thế kỷ trước. Ông Sharif sẽ tiếp quản đất nước Pakistan trong một tình trạng “hỗn độn” như lời ông nói. Nền kinh tế gần như kiệt quệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu điện kinh niên, làn sóng cực đoan, chủ nghĩa khủng bố…là những thách thức đang đón chờ ông Sharif và chính phủ mới.
Tờ “the Economic Times”của Ấn Độ nhận định khi nắm quyền lực nhiệm kỳ thứ ba, ông Sharif sẽ phải “vá” nhiều lỗ hổng trên “chiếc buồm” Pakistan. Những vấn đề chủ yếu đang ngự trị trong nền kinh tế Pakistan là cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, với tình trạng cắt điện tới 20 giờ/ngày; tình trạng tham nhũng và nhu cầu bức thiết đối với phát triển.
Bên cạnh đó, mối thách thức từ lực lượng Taliban, chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng, quan hệ phức tạp với các nước láng giềng và Mỹ. Tất cả những vấn đề này cần giải quyết một cách thận trọng và có thời gian. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên mà chính phủ mới cần giải quyết đó là phục hồi nền kinh tế gần như kiệt quệ.
Trong hơn 5 năm qua, Chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari đã bị chỉ trích mạnh mẽ về sự điều hành kinh tế quá yếu kém. Đất nước Pakistan vẫn trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, không tạo được việc làm cho hai triệu người gia nhập thị trường việc làm mỗi năm. Vấn đề lớn nhất mà chính phủ mới phải đối mặt là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng - vốn bị coi là nút thắt lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Chính phủ hiện nay dự kiến kiềm chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 4,7% GDP trong năm tài chính này, song hầu hết các nhà phân tích cho rằng thâm hụt có thể cao hơn nhiều. Họ khuyến cáo tân chính phủ có thể phải viện tới sự cứu trợ cả gói hàng tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Bầu không khí tại Pakistan giống như lễ hội. Hàng đoàn xe hơi, xe máy và cả xe đạp lôi… trương cờ, biểu ngữ, khẩu hiệu trong tiếng nhạc ầm ĩ để bày tỏ sự ủng hộ đối với PML- N và ông Sharif. Ông Rashid Saleem Butt, 50 tuổi nói với báo giới “Chúng tôi thực sự vui sướng trong thời khắc này. Người dân Pakistan rất vui mừng về cơ hội để thay đổi”.
Liệu PML- N và ông Sharif có mang lại sự thay đổi mà cử tri Pakistan mong đợi không? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.
Minh Lý (P/V TTXVN tại New Delhi)