Pakistan có thể trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới

Mỗi năm Pakistan có thể sản xuất 20 đầu đạn hạt nhân và có thể vươn lên thành nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới trong vòng một thập kỷ tới.

Tên lửa Pakistan được trưng bày ở Karachi năm 2008. Ảnh: wikipedia



Báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment và Trung tâm Stimson kết luận rằng Pakistan đang nhanh chóng mở rộng năng lực hạt nhân của mình do lo ngại đối thủ đáng gờm là Ấn Độ, nước láng giềng cũng đồng thời là một cường quốc hạt nhân. Bản báo cáo công bố ngày 27/8 nhận định Pakistan đang vượt xa Ấn Độ trong việc phát triển các đầu đạn hạt nhân.

Theo ước tính của giới phân tích, Pakistan có khoảng 120 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Ấn Độ là khoảng 100.

Trong những năm tới, lợi thế của Pakistan có thể sẽ tăng lên nhanh chóng do nước này có kho dự trữ urani dồi dào được làm giàu ở cấp độ cao, vốn có thể nhanh chóng sử dụng để sản xuất các thiết bị nổ hạt nhân có sức công phá thấp.

So với Pakistan, Ấn Độ có kho plutoni lớn hơn, chuyên dùng để sản xuất các đầu đạn có sức công phá lớn. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết có vẻ như New Delhi sử dụng phần lớn nguồn plutoni của mình để sản xuất năng lượng phục vụ nhu cầu nội địa.

Bản báo cáo đánh giá Pakistan có thể sở hữu ít nhất 350 đơn vị vũ khí hạt nhân trong 5 đến 10 năm tới. Tiếp đó, nước này sẽ có thể sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn hơn bất kỳ nước nào, ngoại trừ Mỹ và Nga, hai siêu cường nắm trong tay hàng ngàn quả bom hạt nhân.

Tác giả của báo cáo, Toby Dalton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân của Carnegie Endowment, cho rằng Pakistan sử dụng plutoni và urani được làm giàu ở cấp độ cao để sản xuất đầu đạn hạt nhân, đồng thời lưu ý rằng Islamabad mới đây đã bổ sung thêm lò phản ứng sản xuất plutoni thứ tư tại Tổ hợp hạt nhân Khushab.

Ấn Độ và Pakistan, hai nước láng giềng đã trải qua 3 cuộc chiến tranh lớn, chính thức tuyên bố là các cường quốc hạt nhân vào năm 1998. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng cảnh giác về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai quốc gia Nam Á này.

Mặc dù Ấn Độ đã thông qua chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng giới lãnh đạo Pakistan đã nhiều lần từ chối đưa ra lập trường tương tự, viện cớ rằng họ có thể buộc phải dùng đến loại vũ khí hủy diệt này trong trường hợp Ấn Độ huy động lực lượng quân đội lớn hơn tấn công Pakistan.

Đồng tác giả của báo cáo và cũng là đồng sáng lập Trung tâm Stimson, Michael Krepon cho rằng Ấn Độ coi vũ khí hạt nhân như một công cụ chính trị, giúp khuếch trương thanh thế của nước này, chứ không phải là thứ để sử dụng trên chiến trường. Trong khi tại Pakistan, vũ khí hạt nhân được coi là công cụ sẵn sàng sử dụng để đảm bảo sự ổn định.

Mansoor Ahmed, chuyên gia hạt nhân tại Đại học Quaid-i-Azam University ở Islamabad, bày tỏ nghi ngờ rằng nước này có thể sản xuất trên 40 hoặc 50 đầu đạn hạt nhân trong vòng vài năm tới. Tuy nhiên, ông Ahmed không phủ nhận việc quân đội Pakistan đang tìm cách tăng cường năng lực hạt nhân của mình.

Theo đánh giá của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ về năng lực của một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trong kho vũ khí của Pháp hiện có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, Anh có khoảng 215 đầu đạn, trong khi Trung Quốc sở hữu gần 250 đầu đạn hạt nhân.

Đoàn Hùng (Theo The Washington Post)
Nga-Pakistan sắp ký thỏa thuận xây đường ống khí đốt
Nga-Pakistan sắp ký thỏa thuận xây đường ống khí đốt

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây thông báo nước này và Pakistan sẽ ký thỏa thuận triển khai dự án xây dựng đường ống khí đốt Bắc-Nam vào cuối tháng 9 này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN