Vụ pháo kích tại Mariupol thuộc Donetsk được coi là diễn biến mới nhất trong các bước leo thang chiến sự ở miền Đông Ukraine. Vụ pháo kích hôm 24/1 làm 30 người chết và hơn 100 người khác bị thương, với việc các bên liên quan đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Ukraine ngày 25/1 tuyên bố quân ly khai Donetsk là thủ phạm gây ra thảm kịch này. “Cơ quan an ninh Ukraine đã chặn thu được các cuộc điện đàm bằng điện thoại, sóng vô tuyến. Nó cho thấy quân ly khai đã thực hiện vụ tấn công này”, ông Poroshenko phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh (NSDC).
Chính quyền Kiev cho rằng, “quân khủng bố” mở chiến dịch ở Mariupol là “phù hợp” với những gì mà người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Alexander Zakharchenko tuyên bố: DPR sẽ không tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao để chấm dứt xung đột ở miền Đông, sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tấn công để nới rộng đường giới tuyến và giành quyền kiểm soát toàn bộ Donetsk.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine họp bàn về vụ pháo kích ở Mariupol. Ảnh: Reuters |
Theo logic này, Mariupol được xem là khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Đây là thành phố cảng lớn thứ 2 ở Donetsk. Tuy phe ly khai tuyên bố thành lập Nhà nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, nhưng Mariupol hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Kiev. Nằm dọc theo bờ biển Azov, đây là cầu nối quan trọng giữa vùng đất liền của Nga với vùng lãnh thổ mới sáp nhập Crimea. Cảng biển xuất khẩu các sản phẩm than đá và sắt thép đối với cả vùng Donetsk. Nếu giành được quyền kiểm soát, quân ly khai có thể tạo ra một khu vực bàn đạp liên thông cả trên hướng bộ và hướng biển.
Về phần mình, phe ly khai Donetsk phủ nhận các cáo buộc mà Kiev đưa ra. Phát ngôn viên của lực lượng này cho biết: Dân phòng Donetsk không có các hệ thống vũ khí gần Mariupol có khả năng thực hiện các cuộc pháo kích vào khu vực này. “Theo thông tin tình báo của chúng tôi, các loạt đạn pháo được bắn đi từ vùng Stariy Krim gần đó. Đây cùng là điểm đóng quân của quân đội chính phủ. Chúng tôi cho rằng đây là một hành động khiêu khích của chính quyền Kiev”, nhân vật này nói. Đại diện cấp cao của DPR tại các cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc, ông Denis Pushilin, cũng khẳng định ai là thủ phạm thì đã quá rõ ràng, “chính quyền Kiev muốn làm mọi điều có thể để trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình”.
Âm mưu nhằm vào Nga?Nga và phương Tây đã đưa ra những phản ứng trái ngược nhau về vụ việc trên. Mỹ và các nước đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU) tìm cách đổ tội cho Nga, đồng thời cảnh báo gia tăng các lệnh trừng phạt. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tăng sức ép nhằm vào Nga sau việc Moskva can dự, làm gia tăng xung đột ở miền Đông Ukraine. “Sẽ là không hiệu quả nếu như can dự về mặt quân sự với Nga trong vấn đề này. Điều mà chúng ta có thể làm là tiếp tục hỗ trợ Ukraine kiểm soát toàn vẹn lãnh thổ, với việc kết hợp sức ép về kinh tế bằng các lệnh cấm vận với cô lập về ngoại giao nhằm vào Nga”, ông Obama nói.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Cao Ủy phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, đã gọi vụ tấn công ở Mariupol là liều lĩnh và đáng hổ thẹn; kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng để tạo lập hòa bình ở Ukraine, ngừng ngay việc hỗ trợ phe ly khai. Bà đồng thời cảnh báo việc leo thang xung đột sẽ “đưa đến quan hệ xấu đi trầm trọng giữa Nga với EU”.
Cảnh đổ nát ở Mariupol sau các cuộc pháo kích. Ảnh: AP |
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc chính quyền Kiev là tác nhân gây ra xung đột quân sự, với việc quân đội chính phủ không tuân thủ các điều khoản về lệnh ngừng bắn theo Thỏa thuận Minsk. Ông khẳng định Nga luôn sẵn sàng cho các nỗ lực tạo lập hòa bình ở miền Đông Ukraine, kêu gọi mở cuộc điều tra về vụ pháo kích tại Mariupol. Ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho rằng, vụ việc này là một “chiến dịch cờ giả” của Kiev nhằm mục đích kích động. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev, bình luận, diễn biến ở Mariupol cho thấy Kiev đang tìm cách tái khởi động chiến tranh để hướng dư luận Ukraine ra bên ngoài, quên đi những tồn tại, khó khăn trong nước.
Nhìn lại khủng hoảng hơn 1 năm qua tại Ukraine có thể thấy, những biến cố thường hay xảy ra tại những thời điểm mang tính nhạy cảm, bước ngoặt. Người ta có thể chẳng bao giờ tìm ra thủ phạm vụ nã pháo vào Mariupol, như những gì đã tận thấy trong vụ thảm sát ở Odessa (5/2014), vụ máy bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia nổ tung trên bầu trời Donetsk (7/2014). Nhưng những gì diễn ra sau đó thì có thể tiên lượng được. Leo thang cấm vận chống Nga được Mỹ và EU thực hiện ngay sau vụ MH17, dựa trên cáo buộc Moskva chịu trách nhiệm chính.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngay trong ngày hôm nay sẽ có các cuộc thảo luận về tình hình Ukraine. Hội đồng châu Âu (EC), Ngoại trưởng EU ngày 29/1 cũng sẽ tổ chức các phiên họp đặc biệt về khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này. Tại đó, tiếng nói gây sức ép nhằm vào Nga được cho là sẽ chiếm thế chủ đạo.
Một ngày sau khi xảy ra vụ nã pháo vào Mariupol, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin vội loan báo: “Ngoại trưởng các nước EU đều thể hiện thông điệp rất mạnh mẽ, không một ai nói đến việc dỡ cấm vận. EU còn tính đến việc mở rộng danh sách các quan chức Nga cấm nhập cảnh vào EU, cũng như các công ty bị cấm vận. Thậm chí, có cả việc thảo luận loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế - SWIFT, điều có thể khiến kinh tế Nga sụp đổ”.
Hoài Thanh (
Tổng hợp)