Tại một loạt cuộc họp vừa qua ở Hanover, Rome và Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận cách thức đối phó chung nếu "Brexit" xảy ra. Theo Tạp chí "The Financial Times" (Thời báo Tài chính) của Anh, thay vì thúc đẩy các nỗ lực hội nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande lại hướng tới việc làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng. Tuy nhiên, trên hết là việc làm thế nào để đối phó với nguy cơ xáo động tài chính và chính trị trong trường hợp nước Anh bỏ phiếu rời EU. Sau những tuyên bố đầu tiên nhằm trấn an các thị trường, các quan chức dự báo sẽ có một cuộc họp đặc biệt với sự tham gia của các nước EU mà không có Anh để thảo luận việc đối phó với sự ra đi của "Xứ sở sương mù", nếu điều này xảy ra. Hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo 28 nước thành viên EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28 - 29/6 tới.
Cựu Thị trưởng London, Boris Johnson vận động cho “Brexit” tại Cornwall, Anh, hôm 11/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các quan chức Pháp lo ngại "Brexit" có thể lan sang các nước thành viên khác. Một quan chức Pháp lưu ý: "Đánh giá thấp hậu quả của việc Anh rời EU sẽ đặt châu Âu trước rủi ro". Một chính trị gia khác giữ vai trò nòng cốt trong việc thảo ra "Kế hoạch B" nhấn mạnh: "Để 'Brexit' diễn ra thành công sẽ là dấu chấm hết cho EU. Điều này không thể xảy ra". Tuy nhiên, Berlin bày tỏ lo ngại rằng thông điệp mạnh mẽ như thế sẽ chỉ làm tình trạng chia rẽ trong nội bộ EU thêm xấu đi.
Sự chia rẽ xung quanh việc đẩy mạnh hội nhập một lần nữa lại xuất hiện tại cuộc gặp bốn nhà hoạch định chính sách châu Âu hàng đầu trong tuần qua gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Junker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, và Chủ tịch Eurogroup (nhóm các bộ trưởng tài chính các nước Eurozone) Jeroen Dijsselbloem. Trong khi ông Juncker và ông Draghi đánh giá "Brexit" là động lực để Eurozone xích lại gần nhau hơn thì ông Tusk và ông Dijsselbloem lại tỏ ra dè dặt về vấn đề này. Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính", ông Dijsselbloem cho rằng việc bỏ phiếu rời EU được cho là kết cục tiêu cực của cuộc trưng cầu ý dân.
Trong bối cảnh còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên EU liên quan đến "Brexit", một chương trình nghị sự chung về vấn đề an ninh nội và ngoại khối giữ một vị trí nổi bật. Các lựa chọn được đưa ra cân nhắc bao gồm việc đẩy mạnh hợp tác tình báo và sử dụng các hiệp ước EU để tạo lập kế hoạch quốc phòng chung và chia sẻ thiết bị quân sự. Berlin cũng ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Italy Matteo Renzi về việc chia sẻ gánh nặng cũng như đưa ra một chính sách ngoại giao và quân sự chung ở Địa Trung Hải, vào thời điểm Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng di cư.
Liên quan đến Eurozone, cả Pháp và Đức đều cho rằng bất kỳ cam kết nào làm sâu sắc thêm quan hệ trong khu vực đều diễn ra từng bước và từ từ, đặc biệt trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tại cả hai nước này trong năm tới. Một nhà ngoại giao cấp cao EU nói rằng nếu "Brexit" xảy ra, các nước trong liên minh không có lựa chọn nào khác là phải xích lại gần nhau. Các biện pháp tăng cường hội nhập trong Eurozone được đưa ra bao gồm từ việc tăng cường chia sẻ rủi ro trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính cho tới tập trung hóa quyền lực tài chính. Tuy nhiên, những ý tưởng này có phần nhạt dần do thiếu ý chí chính trị giữa các nước thành viên trong khối.
Một quan chức EU lưu ý rằng việc nội dung các cuộc đàm phán nói trên được giữ kín cũng tạo sự mơ hồ lớn về mức độ cũng như tiến trình của các cuộc thảo luận này. Dẫu vậy, ít ra một kế hoạch ngẫu nhiên phòng trường hợp "Brexit" cũng đang được để trong "két an toàn" tại văn phòng EC, và có lẽ được đặt bên trên kế hoạch phòng trường hợp "Grexit" (có nghĩa là khả năng Hy Lạp rời Eurozone) xảy ra.