Pháp muốn trở thành cường quốc ở Thái Bình Dương

Theo "Tạp chí Âu-Á" ngày 21/6, chiến lược trở lại châu Á mới của Mỹ cho thấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chiếc chìa khóa cho sự cân bằng của thế giới hiện nay và xác định các lợi ích an ninh của Pháp.

 

Tại hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore (Xinhgapo) mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố: "Tôi đến đây để khẳng định rằng Pháp có ý định tiếp tục giữ vững cam kết thúc đẩy an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương". 

 

Một máy bay chiến đấu của Pháp tham gia chiến trường Apghanistan. Ảnh Internet.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khẳng định: "Đối với chúng tôi, người Pháp cũng như châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt khu vực Đông Nam Á là một bộ phận không thể thiếu trong môi trường an ninh của chúng tôi. Pháp sẵn sàng tham gia thiết lập một cơ cấu an ninh khu vực ở Đông Nam Á. Trên lĩnh vực này, Pháp mong muốn mỗi cường quốc khu vực, kể cả cường quốc mạnh nhất, có thể gánh vác trách nhiệm và bảo đảm môi trường khu vực, tuân thủ các nguyên tắc chủ yếu nhằm quản lý hệ thống quốc tế mà tất cả chúng ta đều gắn bó". 

 

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã gây nhiều ấn tượng, bởi vì nó xác định rõ các ý đồ chiến lược và tái khẳng định các cam kết chiến lược với châu Á-Thái Bình Dương ngay sau khi có sự thay đổi chính phủ ở Pháp và trong bối cảnh tất cả các nước châu Âu đang bị hạn chế tài chính.

 

Phần cuối bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng gây nhiều chú ý nhất, vì chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Theo ông, chính Trung Quốc gây lo ngại an ninh cho các nước láng giềng. 

 

Một phân tích khác cũng nhấn mạnh các cam kết chiến lược của Pháp ở châu Á-Thái Bình Dương: Pháp ủng hộ mạnh mẽ học thuyết chiến lược trở lại châu Á của Mỹ. Pháp - từ trước đến nay vẫn duy trì hiện diện hải quân và quân sự ở khu vực Tây Ấn Độ Dương - có thể sẽ phát triển lực lượng đến Thái Bình Dương.

 

Pháp và đồng minh liên tục khẳng định châu Á-Thái Bình Dương là bộ phận quan trọng của môi trường an ninh châu Âu. Như vậy, người ta có thể hy vọng sự hiện diện quân sự lớn hơn của châu Âu trong khu vực, đặc biệt Đông Nam Á.

 

Điều quan trọng là Pháp đã khẳng định rằng nước này không những có ý định tiếp tục là một cường quốc Ấn Độ Dương mà còn có ý định trở thành một cường quốc Thái Bình Dương.

 

Tóm lại, Pháp muốn phát đi bức thông điệp rõ ràng là không quốc gia nào có thể hành động tự do ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua sức mạnh quân sự hoặc sức mạnh quyết đoán ở Biển Đông. Nếu họ có ý đồ sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa khu vực, hành động đó sẽ vấp phải sức mạnh không những của Mỹ và các nước đồng minh Đông Á của Mỹ, mà còn vấp phải một cơ cấu an ninh hiện đang được củng cố bởi quyết tâm của châu Âu cũng như sức mạnh tăng cường hơn nữa của Ôxtrâylia, Niu Dilân và Canađa.

 

Pháp và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng, do đó một số quyết tâm của Pháp nhằm đối phó với những thách thức đối với an ninh của châu Á có thể ảnh hưởng đến đường hướng chiến lược của Niu Đêli.



TTXVN/Tin Tức

Hải quân Nga và Pháp tập trận chung
Hải quân Nga và Pháp tập trận chung

Ngày 15/6, lực lượng hải quân Nga và Pháp đã bắt đầu cuộc tập trận chung "Passex" tại thao trường Hạm đội phương Bắc của Nga ở Biển Baren (Barents).

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN