Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. |
Đầu tiên là về quan điểm chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu chúc mừng ông Macron, ông Trump cũng viết trên Twitter hoan nghênh chiến thắng của chính trị gia theo đường lối trung dung. Tuy nhiên, ông Macron chưa bao giờ là ứng cử viên ưa thích của Tổng thống Mỹ Trump.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tỏ ý ủng hộ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, chính trị gia có nhiều quan điểm giống với ông: "kiên quyết" trong vấn đề biên giới, cứng rắn trong vấn đề Hồi giáo, phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại. Ngoài ra, các chính khách có quan điểm cứng rắn của đảng Cộng hòa Mỹ đã tới Pháp trong khi cuộc bầu cử diễn ra và đề nghị trợ giúp vận động bầu cử cho bà Le Pen.
Theo báo này, một số ý kiến cho rằng: "Tại Pháp, Tổng thống Trump tự đưa mình vào thế kẹt khi ủng hộ một người có tư tưởng giống ông với hi vọng chủ nghĩa dân tộc đặc trưng của ông sẽ được đẩy mạnh tại một nước đồng minh. Việc bà Le Pen thua cuộc cho thấy chủ nghĩa dân tộc, bài Hồi giáo trong chiến dịch vận động (của Trump) không giành được ưu thế tại quốc gia này".
Việc 1/3 cử tri Pháp bầu cho một ứng cử viên thuộc đảng phái có liên quan tới chủ nghĩa phátxít cho thấy sự bất mãn, tức giận và sợ hãi đằng sau quan điểm chính trị của bà Le Pen chưa bao giờ biến mất. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Le Pen sẽ tiến hành vận động mạnh mẽ trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới, trong khi bà hi vọng sẽ đối đầu ông Macron một lần nữa trong cuộc tranh cử năm 2022. Sự thua cuộc của bà Le Pen cũng cho thấy không có dấu hiệu lay chuyển được chủ nghĩa cực hữu - chủ nghĩa dân tộc của bà hay của ông Trump.
Tất nhiên, đường lối trung dung của Pháp khác với ở Mỹ. Tại Mỹ, chủ nghĩa trung dung thường thể hiện quan điểm chính trị ôn hòa, thỏa hiệp, hành động cân bằng giữa các tư tưởng và quyền lợi cạnh tranh, sự thỏa hiệp giữa các đảng phái đối lập. Trong khi đó, chủ nghĩa trung dung tại Pháp lại không có hệ tư tưởng và các quan điểm thỏa hiệp.