Nghị viện Pháp bắt đầu thảo luận một dự luật chống khủng bố, cho phép cấm các đối tượng tình nghi liên quan đến các phong trào Hồi giáo thánh chiến rời khỏi lãnh thổ và tăng cường công tác giám sát, theo dõi trên Internet. Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố đang thường trực và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) mới hành hình con tin người Anh, gần như không có tuần nào nước Pháp thiếu những bản tin kinh hoàng liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Máy bay chiến đấy Rafale của Pháp cất cánh từ căn cứ quân sự Al-Dhafra, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, thực hiện chuyến bay trinh sát trên vùng trời Iraq ngày 15/9. Ảnh: AFP-TTXVN |
Một báo cáo được tờ Le Figaro trích dẫn cho thấy 946 người quốc tịch Pháp hoặc sống ở Pháp liên quan đến các mạng lưới cực đoan Hồi giáo, tăng 60% so với cách đây 6 tháng. Chứng tỏ "quyết tâm chống hiện tượng cực đoan hóa bạo lực, các chi nhánh tuyển dụng thanh niên Pháp từ nước ngoài và hướng họ tham gia vào các hoạt động khủng bố", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve muốn tăng cường các công cụ trấn áp bằng một dự luật sẽ được Hạ viện thảo luận từ ngày 15/9.
Dự luật nói trên đưa ra một loạt biện pháp mạnh, chẳng hạn như: cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu hoặc thẻ căn cước đối với những đối tượng có ý đồ rời khỏi nước Pháp để tham gia các hoạt động khủng bố, tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại, tới vùng hoạt động của các nhóm khủng bố và trong điều kiện bị tình nghi có thể khiến cho đương sự xâm phạm tới an ninh công cộng khi quay trở về Pháp.
Điểm mới của dự luật này là "chỉ cần có dấu hiệu có ý đồ tham gia hoạt động cực đoan" là có thể bị ngăn chặn. Chẳng hạn: khi đối tượng mua vé máy bay, truy cập liên tục vào các trang web chuyên phát tán thông điệp kích động hận thù và kêu gọi Thánh chiến...
Trong trường hợp đó, Bộ trưởng Nội vụ sẽ đưa ra lệnh cấm cần thiết với thời hạn tối đa là 6 tháng và có thể được gia hạn. Đối tượng sẽ bị đưa vào "Danh sách những người bị tìm kiếm" và vào "Hệ thống thông tin Schenghen" để cảnh báo tất cả các sân bay trong Liên minh châu Âu. Nếu cố tình vi phạm, đối tượng có thể bị phạt tù 3 năm và 45.000 euro tiền phạt.
Ngoại trừ biện pháp cách li, dự luật mới dự kiến sẽ tăng hình phạt với đối tượng kích động khủng bố (nếu truyền bá các thông tin dạng này trên Internet) với mức án cao nhất là 7 năm tù và 100.000 euro tiền phạt. Văn kiện cũng đưa ra định nghĩa mới về "hành vi khủng bố do cá nhân".
Theo đó, các đối tượng tự chuyển hóa theo tư tưởng cực đoan có thể bị phạt tù tới 10 năm và 150.000 euro tiền phạt nếu tìm kiếm hoặc chế tạo thiết bị phá hoại và thu thập thông tin về một địa điểm, một cá nhân, tự huấn luyện cách thức sử dụng vũ khí và chất nổ hoặc tiếp nhận "một khóa đào tạo về điều khiển thiết bị bay".
Nói cách khác, Pháp tìm mọi cách để tránh lặp lại thảm họa 11/9 ở Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Hội đồng Bộ trưởng Pháp cho biết dự luật mới sẽ cho phép truy tìm các đối tượng thánh chiến trên Internet bằng kỹ thuật điều tra đặc biệt mà cho tới nay chỉ áp dụng đối với tội danh khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Cảnh sát Pháp có quyền tịch thu từ xa tài khoản trên điện toán đám mây, không gian lưu trữ dữ liệu, tiến hành tuần tra ảo (giống như đã tiến hành để phát hiện các đường dây lạm dụng tình dục trẻ em). Thông qua một số phần mềm kiểu phát hiện mật khẩu qua theo dõi bàn phím, họ sẽ bí mật đọc và ghi lại thông tin của nghi can, và những thông tin dạng này sẽ được lưu lại 30 ngày.
Trong khi một liên minh quốc tế đang chuẩn bị can thiệp vào Iraq và Syria để chống IS, nghị sỹ Sébastien Pietrasanta - người phản biện dự luật - lưu ý rằng "số lượng 'tình nguyện viên' đến từ Pháp là lực lượng nước ngoài lớn nhất" đang chiến đấu trong thành phần các tổ chức Hồi giáo Thánh chiến.
Giữa tháng 8/2014, ít nhất 349 người Pháp đã bị phát hiện tại Syria. Điều tra của các cơ quan tình báo và hình ảnh do các phân tử Thánh chiến phát tán trên mạng xã hội khẳng định sự dính líu của họ trong các hành động đặc biệt bạo lực và man rợ. Những kẻ có hành vi như vậy dễ gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng một khi chúng trở lại châu Âu.
Tiến Nhất(Theo Le Figaro)