Vào thời điểm Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận tổ chức một hội nghị quốc tế dự kiến trong tháng 6 này tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria, sự đoàn kết giữa các nhóm đối lập ở nước này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy vậy, theo tuần báo "Al Ahram" (Ai Cập), việc cử một đoàn đại biểu thống nhất tới hội nghị lại là vấn đề quá khó khăn đối với họ lúc này.Tay súng nổi dậy Syria tham chiến tại thành phố Aleppo, miền bắc Syria ngày 11/3/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lần gần đây nhất phe đối lập sát cánh với nhau là khi họ thành lập Liên minh Các lực lượng cách mạng và đối lập Syria (CSROF) – tổ chức được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên, ngay cả tổ chức này cũng không thể đảm nhiệm được vai trò đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Syria và các cuộc tranh cãi nội bộ dường như là "sản phẩm đặc trưng" của phe đối lập. Trong khi đó, sự xuất hiện của các nhóm đối lập mới càng khiến bức tranh trở nên u ám hơn bao giờ hết.
Hai tuần trước, nhóm đối lập mang tên "Trục Dân chủ" đã được thành lập tại thủ đô Cairo (Ai Cập). Nhóm này - do nhà hoạt động đối lập Michel Kilo đứng đầu và quy tụ nhiều nhà lãnh đạo tự do và thế tục nổi bật – tuyên bố sẽ chiến đấu vì một Syria tự do và dân chủ. Có vẻ như mục đích thành lập của nhóm này nhằm làm đối trọng với các lực lượng Hồi giáo, trong đó chủ yếu là tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn đang kiểm soát CSROF.
Trước đó, ngày 20/5, hàng chục nhà lãnh đạo đối lập Syria cũng gặp nhau tại Tây Ban Nha nhằm công bố việc thành lập một nhóm khác với cam kết chiến đấu cho tới khi chế độ Syria hiện nay bị lật đổ. Điều đáng nói là chỉ cách đó vài ngày, CSROF đã tổ chức một cuộc họp được đánh dấu bởi các cuộc tranh cãi gay gắt tại Istanbul nhằm bầu ra ban lãnh đạo mới và vạch chính sách của phe đối lập Syria tại hội nghị Geneva sắp tới.
Ủy ban điều phối quốc gia Các lực lượng thay đổi dân chủ (NCCFDC) – nhóm đối lập có ảnh hưởng lớn nhất tại Syria - đã không tham dự các cuộc họp nêu trên tại Ai Cập, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, danh sách vắng mặt tại các sự kiện này còn có Hội đồng quốc gia người Kurd (Cuốc) – lực lượng quy tụ phần lớn các nhóm đối lập người Kurd, và Quân đội Syria Tự do (FSA) - cánh quân sự của phe đối lập ở Syria.
Cho tới nay, các nỗ lực mở rộng CSROF và kiềm chế sức mạnh đang lên của các nhóm Hồi giáo đều thất bại. CSROF cho thấy họ không có khả năng quyết định các vấn đề quan trọng. Được thành lập cách đây gần 6 tháng, liên minh này vẫn tiếp tục hoạt động theo cách thức tương tự như Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) tiền thân. Các thành viên của CSROF chỉ chăm chăm đánh bóng hình ảnh của mình ở bên ngoài thay vì tập trung giải quyết các vấn đề trong nước. Những người này cũng bị chỉ trích quá quan tâm tới các lợi ích riêng của mình hơn là tương lai lâu dài của đất nước.
Samir Eita, một thành viên phe đối lập ở Syria, tỏ ra bi quan về triển vọng của hội nghị Geneva do hàng ngũ phe đối lập bị chia rẽ sâu sắc. Ông Eita nhấn mạnh: "Không thể khẳng định được rằng CSROF là nhóm đối lập duy nhất hiện nay, ngay cả khi họ đang cố mở rộng ảnh hưởng của mình trước thềm hội nghị. Cả Nga lẫn Mỹ đều không công nhận CSROF là đại diện của phe đối lập ở Syria. Tất cả các nhóm đối lập sẽ tham gia hội nghị sắp tới song phải có một nhóm nào đó đứng ra hòa giải các bất đồng và tranh cãi nội bộ". Ngoài ra, theo ông Eita, còn có các vấn đề khác liên quan đến các nhóm đối lập vũ trang. Phe đối lập chính trị không thể đại diện hoàn toàn cho các nhóm đối lập vũ trang vốn cũng đang bị chia rẽ sâu sắc.
Về phần mình, Eqab Yehia, một thành viên Văn phòng chính trị của CSROF, thừa nhận rằng đang có những vấn đề bên trong tổ chức này. "Có rất nhiều điều đang cản trở tổ chức và hoạt động của CSROF. Một trong số đó là các nhóm sáng lập CSROF chưa hoàn toàn sát nhập với nhau và đang theo đuổi các chương trình nghị sự riêng", ông Yehia cho biết, song không loại trừ việc CSROF có thể phát triển thành một tổ chức đáng tin cậy. Tuy nhiên, để làm được điều này, CSROF phải thu hút được mọi lực lượng đối lập, gồm các thanh niên tin tưởng vào cách mạng và các nhóm chính trị đối lập như NCCFDC, Diễn đàn Dân chủ và các tổ chức tương tự.
Phong trào nổi dậy ở Syria - bắt đầu chỉ với một hoặc 2 nhóm chính trị và một phong trào nhân dân rộng lớn - đã sản sinh ra hàng chục phe phái chính trị thiếu sự chỉ huy thống nhất và thiếu các mục tiêu rõ ràng. Các nhóm này bị phân hóa và có rất ít điểm chung, thậm chí một số nhóm còn có thái độ công khai thù địch lẫn nhau. Ngoài một lượng lớn các nhóm đối lập ít có ảnh hưởng, hiện có tới 12 nhóm đối lập lớn đang hoạt động ở trong và ngoài nước.
Các nhóm đối lập Syria lưu vong lớn nhất bao gồm CSROF, Diễn đàn Dân chủ, Trào lưu vì sự thay đổi dân tộc, Mặt trận Cách mạng Giải phóng Syria và Anh em Hồi giáo. Các nhóm đối lập lớn trong nước gồm có NCCFDC, Trào lưu Xây dựng đất nước, Tổ chức cách mạng Syria, Hội đồng quốc gia người Cuốc và Hội đồng quốc gia người Thổ.
Trong số này, không có nhóm nào có liên hệ thực sự với nhau và cũng không có bất kỳ chương trình hành động chung nào. Thay vào đó, họ đều tự "xưng hùng xưng bá" và tự xem mình như "cứu tinh" của dân tộc. Họ cũng không tiếc lời chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau làm "tay sai" của các nước Arập hoặc các nước phương Tây. Hầu hết các phe phái hiện nay không có cơ sở quyền lực, mặc dù một số nhóm kế thừa các tư tưởng liên Arập, tôn giáo hoặc cánh tả. Một số nhóm thích tô vẽ lịch sử cá nhân các thủ lĩnh của mình.
Tóm lại, phe đối lập Syria hiện đang lâm vào cảnh "tan đàn sẻ nghé", bị chia rẽ, mất phương hướng và không có khả năng thành lập một nhóm thống nhất tại các cuộc đàm phán. Trong hơn 2 năm qua, phe đối lập Syria đã chứng tỏ mình là tay sành sỏi về chuyện đấu đá nội bộ hơn là lãnh đạo cuộc chiến chống chế độ. Thực trạng này cho thấy cuộc "cách mạng" ở Syria có thể sẽ còn khó khăn và bi thảm hơn nữa.
TTXVN/Tin tức