Hơn 20 thủ lĩnh các nhóm phiến quân nổi dậy tại Syria đã kí một bản “Hiệp ước” cùng nhau chống lại IS và lực lượng vũ trang của Chính phủ.
Lực lượng Quân đội Syria Tự do họp mặt tại thị trấn Azaz biên giới Thổ Nhĩ Kì.
|
Bản Hiệp ước được kí kết trong buổi họp mặt diễn ra vào ngày 25/9 tại Thổ Nhĩ Kì dưới sự hậu thuẫn của Ủy ban Đối ngoại Mỹ và Lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp Syria. Hai vị đại biểu Quốc hội Mỹ là Adam Kinzinger và George Holding đã tới và dự cuộc đàm phán cuối cùng giữa các nhóm, chỉ ngay sau ngày Quốc hội Mỹ kí lời kêu gọi của Tổng thống Obama nhằm trang bị vũ khí và huấn luyện cho những nhóm nổi dậy "ôn hòa" chống lại IS.
Khi thỏa hiệp được kí kết, các nhóm nổi dậy dướisự kiểm soát của Hội đồng Quân sự Tối cao Syria đồng ý thành lập liên minh với Hội đồng quân sự Syria Thiên chúa giáo. Thỏa hiệp này đánh dấu cuộc họp mặt đầu tiên giữa các nhóm nổi dậy Syria và thành viên Quốc hội Mỹ kể từ khi Tổng thống Obama tuyên bố chính sách mới trong chiến lược chống IS.
Hướng đến một Syria tự do
Thỏa hiệp kêu gọi các phe nổi dậy phải chiến đấu cùng nhau để đảm bảo Syria tự do về các mặt bao gồm chính trị, tôn giáo hay dân tộc. Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm nổi dậy ở Syria đồng ý chiến đấu cùng nhau chống IS. Tuy nhiên những nỗ lực hợp tác đó đều bị xóa bỏ vì sự phân chia tôn giáo. Việc thỏa hiệp này sẽ là một hành động mang tính biểu tượng kết nối các nhóm nổi dậy chống IS và lực lượng chính phủ.
Tuy nhiên, ngoài hai lực lượng chủ chốt Hội đồng Quân sự Tối cao Syria và Hội đồng quân sự Syria Thiên chúa giáo cho thấy sự quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các thành viên khác trong liên minh vẫn còn nhiều nghi ngại. Theo báo cáo, Mặt trận Cách mạng Syria đã kí kết một bản thỏa thuận với IS tại một vùng ngoại ô thành phố Damascus và một nhóm khác – nhóm Hazzam – tuần qua đã tuyên bố sẽ trừng phạt Mỹ do chiến dịch không kích nhằm vào IS.
Mặt trận al-Nursa vắng mặt trong buổi đàm phán giữa các phe nổi dậy Syria.
|
Đáng chú ý nhất là việc vắng mặt của những tổ chức chiến binh thánh chiến muốn chống IS và Chính phủ bao gồm Mặt trận Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra (đội quân có liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda). Những nhóm này đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen và loại ra khỏi liên minh nhưng có nhiều người chỉ trích rằng việc đó sẽ làm suy yếu hiệu quả chiến đấu của các lực lượng nổi dậy chống IS.
“Chúng ta phải chắc chắn không đặt nhầm vũ khí vào sai người”, đại diện Kininger bày tỏ lo lắng.
Việc các nhóm nổi dậy được trang bị vũ khí và huấn luyện theo lời cam kết đến giờ vẫn chưa được xác thực. Và việc liệu rằng tât cả các nhóm tham gia đều được hưởng lợi trong việc chống IS cũng còn đang là một dấu hỏi lớn.
Người phát ngôn của Liên minh Quốc gia Syria – ông Khalid Saleh khẳng định Đội quân Syria Tự do - một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc chiến chống IS - đã nhận được sự trợ giúp vũ trang mấy tháng nay và đang được kiểm soát một cách chặt chẽ. Ông kêu gọi sự tăng cường trong việc hỗ trợ và ủng hộ đội quân.
Không kích thôi chưa đủ
Các nhóm nổi dậy đã tiết lộ rằng các cuộc không kích liên minh chỉ nhằm vào mỗi IS là chưa đủ. Cần phải có cả những cuộc không kích tấn công quân đội của Tổng thống al-Assad. Saleh bày tỏ: “Đây là một chiến lược không hoàn chỉnh. Nó là một chính sách ngăn chặn không bao giờ có thể đạt được hiệu quả cao. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này từ gốc rễ bắt nguồn từ Assad, đội quân ủng hộ ông ta và cả IS. Đó là 3 vấn đề chính mỗi người dân Syria đều cần phải giải quyết.”
Phe nổi dậy cũng chỉ trích cách thực hiện các cuộc không kích của Mỹ lên Syria. Ông Abdul al-Bashir – thủ lĩnh Hội đồng Quân sự Tối cao cho biết: “Chúng tôi muôn chuyển lời nhắn gửi của người dân Syria. Họ thực sự phẫn nộ về việc các cuộc không kích đã giết chết dân thường Syria.” Theo báo cáo sơ bộ, cuộc không kích gần đây của Mỹ đã khiến 8 người Syria, trong đó có 3 trẻ em thiệt mạng.
Hồng Hạnh (theo CNN)