Chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Vênêxuêla đã chính thức khép lại và cử tri quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 14/4, lựa chọn người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez. Mặc dù có 7 ứng cử viên, song trên thực tế đây là cuộc đua giữa quyền Tổng thống Nicolas Maduro, ứng cử viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vênêxuêla (PSUV) cầm quyền và Thống đốc bang Miranda, Henrique Capriles, của liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD). Giới quan sát trong và ngoài nước nhận định cuộc bầu cử là phép thử đối với cuộc Cách mạng Bolivar thời kỳ hậu Chavez.
Kịch bản lặp lại
Sáu tháng sau cuộc bầu cử với kết quả Tổng thống Chavez giành chiến thắng thuyết phục với trên 55% số phiếu ủng hộ, các đại diện của PSUV và MUD lại “đọ sức” tại hòm phiếu vào ngày 14/4 tới.
Quyền Tổng thống Nicolas Maduro (trái) và lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tự coi mình là “người con của Chavez” và nhận sứ mệnh mà ông tin giao, trong tất cả các hoạt động tranh cử với sự tham dự của hàng vạn người dân, quyền Tổng thống Maduro luôn nêu bật những thành tựu xã hội to lớn mà đất nước đã giành được dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao của cuộc Cách mạng Bolivar cũng như thảm họa mà đất nước trải qua trong nền cộng hòa thứ 4 tồn tại suốt 40 năm (1958 - 1998) trước khi cố Tổng thống Chavez lên nắm quyền. Ông cam kết trung thành tuyệt đối với sự nghiệp được giao phó và bảo vệ những di sản mà ông để lại. Đó là những chương trình xã hội trụ cột của cuộc Cách mạng Bolivar nhằm phát triển giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, phân phối lương thực và thực phẩm thiết yếu với giá ưu đãi dành cho người nghèo, duy trì sự phát triển của tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA phục vụ lợi ích quốc gia.
Cương lĩnh tranh cử của ông Maduro chính là kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 2013 - 2019 đã được cố Tổng thống Chavez soạn thảo khi tranh cử năm ngoái nhằm làm sâu sắc những thay đổi chính trị, xã hội và kinh tế tại Vênêxuêla. Văn kiện này đề ra 5 mục tiêu lớn: củng cố nền độc lập, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, biến Vênêxuêla thành một cường quốc, góp phần xây dựng một thế giới đa trung tâm và đa cực.
Trong khi đó, mặc dù đã thất cử trước Tổng thống Chavez trong cuộc bầu cử ngày 7/10 năm ngoái và phe đối lập thất bại ê chề trong cuộc bầu cử các thống đốc bang hai tháng sau đó, ông Capriles không thể từ chối ra tranh cử lần này theo đề nghị của MUD. Capriles là nhân vật sáng giá nhất của phe đối lập, kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Hạ viện, thống đốc bang Miranda, 1 trong 3 bang hiện do phe đối lập kiểm soát.
Trong các bài phát biểu vận động tranh cử, chính khách 41 tuổi thuộc tầng lớp thượng lưu này cam kết đem lại cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư, tăng lương tối thiểu, đa dạng hóa nền kinh tế và chấm dứt tình trạng “ban phát” dầu mỏ cho nước ngoài, giảm tỷ lệ tội phạm... Để thu hút lá phiếu của bộ phận cử tri lâu nay vốn ủng hộ cố Tổng thống Chavez, ông Capriles đặt tên cho nhóm vận động tranh cử là Simón Bolívar, theo tên của vị anh hùng giải phóng là thần tượng của ông Chavez, hứa hẹn sẽ tiếp tục và làm tốt hơn những chương trình xã hội do cố lãnh đạo này khởi xướng, và thậm chí sẵn sàng cấp quốc tịch Vênêxuêla cho các bác sĩ Cuba đang làm việc theo chương trình hợp tác giữa hai nước.
Cơ hội thuộc về PSUV
Giới phân tích nhận định trong cuộc đua giành quyền lực này, quyền Tổng thống Maduro có lợi thế hơn vì ông là người được cố Tổng thống Chavez lựa chọn và trung thành với lý tưởng của cố lãnh tụ này. Sau 14 năm cầm quyền, ông Chavez đã đánh thức được ý thức chính trị của người dân Vênêxuêla. Mặc dù có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, nhưng trước khi ông Chavez lên cầm quyền, đa số người dân sống trong cảnh nghèo khổ và bị loại ra ngoài xã hội. Giờ đây, họ đã trở thành chủ nhân của đất nước và hiểu rõ hơn ai hết rằng, không như tất cả các tổng thống của nền cộng hòa thứ 4 trước đấy đã phản bội nhân dân trong suốt 40 năm, Tổng thống Chavez đã thực hiện cam kết tranh cử và chỉ có ứng cử viên của đảng cầm quyền mới có thể tiếp tục sự nghiệp dang dở của ông.
Ý thức đấu tranh vì quyền lợi của người dân đã được thể hiện rõ nét khi hơn 80% cử tri Vênêxuêla tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, mặc dù tại quốc gia Nam Mỹ này, bỏ phiếu là không bắt buộc. Điều này cũng được khẳng định trong cuộc bầu cử thống đốc bang tháng 12/2012. Mặc dù Tổng thống Chavez vắng mặt để đi chữa bệnh tại Cuba, dân chúng đã bầu các ứng cử viên của đảng cầm quyền với kết quả là đảng cầm quyền giành được 20 trong số 23 ghế thống đốc bang. Theo hầu hết các cuộc thăm dò dư luận được công bố trong những ngày qua, ông Maduro đều ở thế thượng phong, dẫn trước đối thủ từ 10 - 20% số ý kiến ủng hộ.
Với tương quan hiện nay, ông Maduro có nhiều khả năng thắng cử và sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, đưa cuộc Cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Chavez khởi xướng tới điểm “không thể đảo ngược”, đem lại tiến bộ và công bằng xã hội cho Vênêxuêla như nhà lãnh đạo cánh tả này hằng mong muốn.
Quang Sơn (P/v TTXVN tại Áchentina)