Phía sau việc Iran chấp nhận đồng tiền của Trung Quốc và Ấn Độ

Chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông Elly Jupp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có trụ sở tại Luân Đôn, trong chuyên mục "Tiếng nói IISS" ngày 16/5 nhận định những tuyên bố gần đây rằng Iran sẽ chấp thuận đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng rupee trong giao dịch dầu thô với hai khách hàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ là một dấu hiệu nữa cho thấy bước chuyển cấu trúc quyền lực kinh tế toàn cầu đang diễn ra.


 

Tàu chở dầu của Iran hoạt động trên biển Caspian.

 

Chuyên gia Elly Jupp cho rằng khi tăng trưởng hướng về các nền kinh tế công nghiệp hóa của châu Á và các khu vực đang nổi lên khác, bước chuyển địa kinh tế này đã bắt đầu thách thức vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Mặc dù sự “băng hà” của đồng USD không thể diễn ra một sớm một chiều nhưng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) sắp mãn nhiệm Robert Zoellick là một trong những người đã đề xuất về một cơ chế tiền tệ mới, với nhiều loại tiền dự trữ. Điều này là cần thiết cho thế giới ngày càng đa cực hiện nay.


Việc không thanh toán bằng đồng USD đối với dầu mỏ của Iran là đáng chú ý bởi nhiều lý do. Trước hết, động thái này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh và Niu Đêli coi các nhu cầu năng lượng của họ quan trọng hơn việc để ý tới các đề nghị của Mỹ phải tẩy chay Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Têhêran. Bắc Kinh sẽ có nhiều thứ để mất nếu ủng hộ các hành động khác chống lại Iran. Việc mất nguồn dầu mỏ của Iran sẽ tạo ra một cú sốc nguồn cung lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, và một loạt hợp đồng, trị giá hàng tỷ, đối với việc khai thác và tinh chế năng lượng sẽ gặp rủi ro. Còn Ấn Độ coi Iran là cửa ngõ để tiếp cận Trung Á và Ápganixtan, đặc biệt là trong bối cảnh các mối quan hệ cẳng thẳng giữa Niu Đêli với Pakixtan và Trung Quốc.


Thứ hai, trong khi các thỏa thuận này mang lại một nguồn thu được chào đón thì khả năng tiếp cận đồng USD của Iran lại bị các thỏa thuận này hủy hoại. Lượng dầu mỏ ngày càng tăng của Iran đang nằm tại các kho chứa và tại các tàu chở dầu ở bên ngoài, và tình hình sẽ chỉ tồi tệ đi đáng kể một khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7. Tuy nhiên, trong khi các hợp đồng bán dầu mỏ cho Trung Quốc và Ấn Độ phá hỏng các lệnh cấm vận dầu mỏ thì việc thanh toán bằng đồng NDT và rupee cắt đứt một cách hiệu quả khả năng tiếp cận đồng USD. Bởi đồng NDT, và đặc biệt là đồng rupee, không được chuyển đổi tự do như đồng USD nên Iran sẽ bị kẹt trong các thỏa thuận đổi chác hàng hóa và nước này buộc phải dùng nguồn thu của mình để mua hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc và Ấn Độ.


Kẻ thắng rõ ràng trong tình huống này là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này sẽ có khả năng giảm rủi ro tỷ giá hối đoái khi mua dầu mỏ của Iran. Đồng thời, hai nước này cũng sẽ có ưu thế so với các khách hàng khác để có thể kiếm được giá hời cũng như các điều khoản ưu đãi từ Iran. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ có khả năng thúc đẩy đồng tiền của mình trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Đối với Mỹ, tình huống này là căn nguyên của sự giận dữ bởi chế độ cầm quyền tại Iran có thể tránh được "lưỡi dao cấm vận sắc bén", đồng thời nó cũng thúc đẩy những triển vọng về việc đồng NDT của đối thủ Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

 

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)


 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN