Những cam kết về hành lang vận tải biển xanh đã cho thấy việc phổ biến các “công nghệ xanh” trong lĩnh vực vốn có ý nghĩa sống còn với kinh tế thế giới này là tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhiều thách thức như hiện nay. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã lấy chủ đề “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn” (New technologies for greener shipping) nhân Ngày Hàng hải thế giới (29/9) năm nay nhằm kiến tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển, nghiên cứu và sáng kiến hàng hải toàn diện và triển khai các công nghệ mới, qua đó vừa góp phần chống biển đổi khí hậu vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng hải.
Có thể nói vận tải biển là giải pháp hữu hiệu nhất cho vận chuyển hàng hóa xuyên quốc gia. Đây được xem là con đường di chuyển phù hợp với hầu hết loại hàng hóa, sản phẩm trên thị trường, do đó vận tải đường biển có tầm quan trọng rất lớn trong trao đổi, buôn bán hàng hóa nội địa và quốc tế, đặc biệt trong việc vẩn chuyển hàng cứu trợ đến các vùng gặp thiên tai hay khủng hoảng. Tại Việt Nam, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là một trong những ngành chủ lực và đã trở thành yếu tố chủ chốt trong tăng trường kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của vận tải biển kéo theo hệ lụy về môi trường, với việc thải ra môi trường gần 3% lượng khí carbon (số liệu năm 2018), chủ yếu từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, dự báo lượng khí thải này sẽ tăng từ 90 - 130% so với mức của năm 2008, đe dọa các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Với việc đảm nhận vận chuyển 90% lượng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu, vận tải biển cần là ngành đi đầu trong nỗ lực giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Mục tiêu phi carbon hóa hoạt động vận tải biển là một nội dung được đề cập trong Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Vốn được coi là “Hiến chương của đại dương”, UNCLOS 1982 là khuôn khổ điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, bảo đảm cân bằng giữa nhu cầu khai thác nguồn lợi từ biển và quyền tự do trên biển, quản trị biển phục vụ lợi ích chung, trong đó có việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Trong chương XII dành riêng nói về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, UNCLOS có quy định các quốc gia thi hành các biện pháp phù hợp dù riêng rẽ hay phối hợp với nhau để ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường biển.
Trên thực tế, trước những tác động ngày càng gia tăng và khó lường của biến đổi khí hậu, IMO đã đặt ra nhiều mục tiêu giảm khí phát thải từ hoạt động hàng hải, theo đó năm 2050 sẽ giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các tàu biển so với mức ghi nhận năm 2008, hướng tới ngành công nghiệp vận tải biển không carbon vào cuối thế kỷ 21. Đối với khí CO2, mục tiêu của chiến lược hướng tới giảm phát thải trung bình 40% so với mức của năm 2008 vào năm 2030, và tiếp tục giảm tới mức 70% vào năm 2050. Những mục tiêu này được xem là song hành với các mục tiêu khí hậu được nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó quan trọng nhất là việc kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2030.
Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực tổng thể của ngành hàng hải toàn cầu và quan trọng hơn là áp dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường để có thể "phủ xanh" các tuyến đường biển trên thế giới. Đó là việc thay thế nhiên liệu hóa thạch trong vận hải tàu biển bằng các nhiên liệu phát thải carbon thấp như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hay Ethanol, hoặc hydro. Theo nghiên cứu của các nhà sản xuất động cơ hàng hải, việc sử dụng LNG có thể giảm phát thải CO2 từ 20-25%, trong khi cả methanol và ethanol đều phát thải khí CO2 ở mức thấp. Thậm chí, năng lượng tái tạo cũng là giải pháp cần được tính đến.
Việc khử carbon trong ngành vận tải biển sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư lớn để tăng quy mô sản xuất nhiên liệu xanh và hạ thủy các con tàu chạy bằng năng lượng sạch trong thập niên này. Theo một báo cáo công bố mới đây tại Diễn đàn Hàng hải toàn cầu ở Brooklyn, New York, giới chuyên gia ước tính khoản tiền đầu tư từ 1.000 tỷ USD - 1.400 tỷ USD để phi carbon hóa ngành vận tải biển vào năm 2050.
Nhiều nước và các doanh nghiệp hàng hải đã bắt đầu chuyển đổi năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với tiến trình phi carbon hóa ngành vận tải biển và đây có thể coi là bước ngoặt giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch có kế hoạch vận hành tàu trung hòa carbon đầu tiên vào năm 2023 bằng cách sử dụng nhiên liệu methanol xanh được sản xuất từ các nguồn tái tạo và đã đặt hàng 13 tàu chạy bằng methanol xanh. Đối thủ của Maersk là hãng vận tải CMA CGM (Pháp) cũng đang theo đuổi chiến lược logistics xanh tương tự với việc mua 6 tàu chạy bằng methanol và cam kết sử dụng nguyên liệu thay thế như biomethane.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư cho các nhà chế tạo thiết bị, các hãng đóng tàu, ngành logistics, ngành cung cấp nhiên liệu, dịch vụ và cảng biển. Năm 2021, trong loạt đề xuất mà Ủy ban châu Âu (EC) thông qua để thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu, các nước EU đã nhấn mạnh đến việc giải quyết tác động khí hậu của ngành vận tải biển, bao gồm mở rộng Hệ thống mua bán quyền phát thải của EU (ETS); thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu tái tạo và carbon thấp trên biển; thúc đẩy cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế; đẩy nhanh cung cấp năng lượng tái tạo ở EU; sửa đổi cách đánh thuế năng lượng hiện nay. Sau khi ký kết "Tuyên bố Clydebank", các cảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Los Angeles (Mỹ) đã hợp tác để bắt đầu chuyển đổi sang tàu không sử dụng nhiên liệu carbon vào năm 2030 và giảm lượng khí thải nhà kính dọc theo một trong những tuyến đường hàng hóa bận rộn nhất thế giới và tại các cảng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phi carbon hóa hoạt động vận tải biển. Năm 2018, Tân Cảng Cát Lái tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC công nhận là cảng xanh vì đạt các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch… cho các cảng trong khu vực APEC. Đến năm 2021, cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đón giải thưởng Cảng xanh 2020.
Trong thông điệp nhân Ngày Hàng hải thế giới 2022, Tổng Thư ký IMO Kitack Lim nhấn mạnh chủ đề năm nay có sự gắn kết mật thiết với 4 mục tiêu trong các Mục tiêu phát triển bền vững, đó là Mục tiêu 13 và 14 về hành động khí hậu và việc sử dụng bền vững các biển, đại dương và các nguồn biển; Mục tiêu 9 về xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố và thúc đẩy đổi mới và công nghiệp hóa bền vững và Mục tiêu 17 về phục hồi các quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững. Thúc đẩy ngành vận tải biển công bằng hơn, "xanh" hơn trong tương lai cũng chính là hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.