Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, thì ngay tại "sân nhà", an ninh ở các quốc gia phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi nhiều tay súng được phái về nước để triển khai kế hoạch tấn công khủng bố và gây rối loạn xã hội.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (phía sau) và tàu George H.W. Bush của Mỹ triển khai tại Vùng Vịnh ngày 18/10. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Thời gian qua, thành công về mặt quân sự đã giúp IS ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các cá nhân cực đoan nước ngoài. Khi tràn qua biên giới Iraq và nhanh chóng chiếm được phần lãnh thổ ở phía tây và phía bắc, các tay súng IS đã khôn ngoan sử dụng mạng xã hội để tạo ra một hình ảnh khá lãng mạn với mục tiêu lôi kéo sự tham gia của giới trẻ Hồi giáo tại nhiều nước phương Tây.
Điều hiển nhiên là các thanh niên này sẽ tự tìm đến quan điểm cực đoan trước khi lên đường sang Trung Đông gia nhập lực lượng IS. Thành công về mặt quân sự cộng với tiềm lực tài chính lớn nhờ hoạt động xuất khẩu dầu, IS đang "gây bão" ở Syria và Iraq, khiến chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh phải đối mặt với nguy cơ bế tắc.
Ước tính có khoảng 15.000 tay súng nước ngoài hiện đang tham gia IS, trong đó khoảng 2.000 - 5.000 người đến từ các nước phương Tây, còn lại là các nước Arập như Saudi Arabia, Tunisia, Morocco và Jordan. Tại châu Âu, Anh, Pháp và Đức, mỗi nước có khoảng 400 - 600 tay súng đang tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, những số liệu này không nói lên tất cả câu chuyện mà phương Tây đang phải đối phó.
Nhiều đối tượng thánh chiến nước ngoài đến Iraq và Syria xuất phát từ mong muốn được sống ở một vương quốc Hồi giáo mà thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi từng tuyên bố. Họ không có ý định quay trở lại quốc gia quê hương mình nếu không có "mật lệnh".
Chính phủ các nước phương Tây lo ngại rằng những cá nhân được phái quay trở lại đều đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trận mạc và quyết dấn thân cho thánh chiến. Thực tế này sẽ đẩy nguy cơ bất ổn leo thang ngay tại "sân nhà" của Mỹ và đồng minh. Ngay từ khi quyết định tấn công IS, Washington cũng đã tính đến phương án đối phó với hành động trả đũa của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Tuy nhiên, ngăn chặn âm mưu khủng bố do chính công dân của mình thực hiện trên quê hương thì chưa phải quốc gia châu Âu nào cũng đã sẵn sàng.
Khi Mỹ hình thành liên minh để triển khai kế hoạch không kích, IS liên tiếp đưa ra những lời kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới "cầm súng bảo vệ vương quốc và tấn công lợi ích của phương Tây". Một số thành viên IS đã quyết định trở về để thực hiện những vụ tấn công khủng bố ngay trong lòng phương Tây.
Ngày 18/9 vừa qua, cảnh sát Australia đã mở chiến dịch truy quét lớn nhất trong lịch sử tại Sydney và Brisbane, bắt giữ 15 đối tượng tình nghi tham gia âm mưu bắt cóc và chặt đầu con tin nhằm tạo ra bầu không khí lo sợ và bất an trong xã hội. Cảnh sát Anh, Canada cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng khả nghi trong hàng loạt chiến dịch trấn áp nhằm tăng cường an ninh nội địa.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố của các nước phương Tây ngay tại "sân nhà" sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chiến thuật mới của lực lượng cực đoan được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại và tinh vi đang gây khó cho các cơ quan tình báo, an ninh và cảnh sát phương Tây. Thực tế cho thấy họ cần phải điều chỉnh cả chiến lược lẫn chiến thuật sau khi Edward Snowden tiết lộ những bí mật động trời, khiến họ luôn bị "hở sườn".
Các biện pháp như tăng cường kiểm soát cửa khẩu, kiểm tra hộ chiếu... chỉ giúp giải quyết phần nào mối lo về nguy cơ những phần tử này xâm nhập trở lại từ Syria hay Iraq. Thật khó có thể tìm ra giải pháp lâu dài ngăn chặn những thanh niên Hồi giáo quyết tâm đến với IS rồi trở lại quê hương với âm mưu tấn công khủng bố. Vì thế, các nước phương Tây có nguy cơ thua ngay trên "sân nhà" khi IS tăng cường xâm nhập và trở thành mối đe dọa thường trực đối với an ninh nội địa.
Lê Phương (
Theo IISS)