Phương Tây soạn sẵn kịch bản can thiệp quân sự vào Syria

Một số diễn biến mới ở Syria đã khẳng định thêm quan điểm cho rằng Washington và các đồng minh phương Tây đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để biện minh cho mình nếu các nước này quyết định can thiệp vào Syria, mặc dù giọng điệu chính thức của họ hoàn toàn khác.

Thứ nhất, bằng chứng về vũ khí hóa học của Syria

Từ năm ngoái, Mỹ và một số nước châu Âu đã gieo rắc nỗi sợ hãi về vũ khí hóa học của Syria "bị rơi vào tay kẻ xấu" nếu chính quyền Syria sụp đổ. Israel cũng nói rằng nước này có kế hoạch can thiệp để bảo đảm an toàn cho các kho vũ khí đó trong trường hợp "chính quyền sụp đổ".

Trong khi Washington nói rằng việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học sẽ là "giới hạn đỏ" để tiến hành can thiệp quân sự thì phía Damacus liên tục nhấn mạnh rằng "cho dù chúng tôi có loại vũ khí đó đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không sử dụng chúng" và cảnh báo rằng quân nổi dậy có thể lấy được bom hóa học và sử dụng chúng để chống lại người dân rồi đổ tội cho quân đội chính phủ Syria nhằm lôi kéo hành động can thiệp quân sự của nước ngoài.

Tháng trước, chính phủ Syria cáo buộc quân nổi dậy bắn tên lửa có chứa chất hóa học vào thị trấn Khan al-Asal thuộc tỉnh Aleppo ở phía bắc. Tên lửa đã rơi gần một đồn quân sự, làm ít nhất 26 người chết, trong số đó có 11 người là quân nhân. Syria đã hối thúc Liên hợp quốc (LHQ) cử "đội kỹ thuật" tới điều tra vị trí bị tấn công, song LHQ nói muốn kiểm tra một số khu vực chứ không chỉ riêng khu vực Khan al-Asal. Damacus đã từ chối việc điều tra mở rộng đó, cho rằng nó xâm phạm chủ quyền của Syria và đi ngược lại với yêu cầu ban đầu của nước này.

Những tòa nhà bị phá hủy nặng nề tại ngoại ô thủ đô Damascus. Ảnh: AFP/TTXVN


Song các phương tiện truyền thông phương Tây hiện đang tung ra một tiêu đề in đậm "Các nhà khoa học Anh tìm thấy bằng chứng về việc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria". Theo tờ "Thời báo" của Anh ngày 13/4, nước này đã bí mật lấy một mẫu đất về kiểm tra cho thấy bằng chứng pháp lý đầu tiên của việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Báo trên cho biết các nhà khoa học Anh thuộc phòng nghiên cứu của Bộ Quốc phòng tại Porton Down, Wiltshere, đã tìm thấy dấu vết "của một loại vũ khí hóa học nào đó" sau khi tiến hành xét nghiệm. Tờ "Điện tín" Anh ngày 13/4 cho rằng nếu các xét nghiệm mới chứng minh được rằng lực lượng chính phủ đã sử dụng vũ khí đó thì áp lực khiến phương Tây tiến hành can thiệp quân sự hay ít nhất là bắt đầu cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria sẽ càng tăng.

Thêm vào đó, Quân đội Syria Tự do của phe nổi dậy còn "đổ thêm dầu vào lửa" khi đưa ra cáo buộc vào ngày 13/4 rằng quân đội chính phủ sẽ sử dụng vũ khí hóa học để đuổi quân nổi dậy ra khỏi các khu vực ngoại ô thủ đô.

Nhà phân tích chính trị Mohammmad Refai đã ủng hộ giả thuyết của chính quyền Syria rằng quân nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn đã lập kế hoạch và tiến hành các vụ tấn công có sử dụng vũ khí hóa học ở Syria bởi "đây chính là kịch bản mà chính quyền Obama nói rằng nó sẽ là 'giới hạn đỏ' để tiến hành can thiệp quân sự vào Syria". Ông nói: "Sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy không có lợi cho chính quyền Syria bởi kết quả của nó sẽ bị quân nổi dậy lợi dụng".

Thứ hai, tuyên bố "thành lập nhà nước Hồi giáo ở Syria" của al-Qaeda

Tuyên bố mới đây của chi nhánh al-Qaeda tại Iraq rằng nhóm al-Nursa cực đoan ở Syria là một phần nằm trong mạng lưới khủng bố toàn cầu này đã khơi nỗi lo sợ về "một cuộc chiến khủng bố" nữa trong khu vực. Tuyên bố này do Sheikh Abu Bakr al-Bahgdadi, thủ lĩnh al-Qaeda tại Iraq đưa ra ngày 9/4, hai ngày sau khi thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri kêu gọi hợp nhất thánh chiến và tiếp đó là cam kết trung thành của lãnh đạo nhóm al-Nursa.

Chính phủ Syria liên tiếp cảnh báo rằng al-Qaeda đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Syria và tổ chức này đứng đằng sau các vụ đánh bom và gây rối trên khắp cả nước.

Các chuyên gia cho rằng thời điểm của tuyên bố trên cố tình trùng với các cuộc thảo luận về việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm làm tăng nỗi lo ngại của phương Tây về vai trò mở rộng của al-Qaeda ở nước này và đây sẽ là một lý do nữa để can thiệp dưới chiêu bài "chống khủng bố".

Thứ ba, các vụ tấn công nhằm vào các căn cứ không quân và sân bay ở Syria

Trong năm qua, quân nổi dậy có vũ trang ở Syria được sự hậu thuẫn của nhóm al-Nursa đã tấn công có mục đích vào một số căn cứ không quân ở nước này. Quân nổi dậy cũng cố gắng tấn công các sân bay dân sự ở thủ đô Damacus và tỉnh Aleppo. Chiến thuật của quân nổi dậy được xem như một nỗ lực nhằm làm tê liệt lực lượng không quân Syria và không cho lực lượng này tiến hành các vụ tấn công vào các thành lũy của quân nổi dậy trên khắp cả nước.

Một vụ nổ bom xe ngày 8/4 đã làm rung chuyển quận thương mại và đông dân cư ở gần quảng trường Sabaa Bahrat, trung tâm thủ đô Damascus, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, 53 người bị thương. Ảnh: AFP/TTXVN.


Amin Hutait, một tướng Lebanon đã nghỉ hưu và là chuyên gia quân sự, mới đây đã cho rằng chiến lược tấn công các sân bay quân sự này nhằm làm suy yếu khả năng phản ứng của không quân Syria trước bất kỳ sự xâm lược nào của nước ngoài.

Ngày 11/4, kênh CNN dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao Mỹ nói rằng "do áp lực của các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa, Ban tham mưu liên quân của Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ đã cập nhật các giải pháp quân sự cho việc can thiệp vào Syria, theo đó lực lượng Mỹ - nếu được lệnh - sẽ thực hiện mọi thứ từ việc ném bom các sân bay Syria cho tới chuyển khối lượng lớn viện trợ nhân đạo tới khu vực này".

Theo thông tin này, quan chức quân sự "đã nhấn mạnh rằng các giải pháp này chỉ là kế hoạch và không có dấu hiệu gì là Tổng thống Barack Obama chuẩn bị ra lệnh hành động quân sự".

CNN đưa tin: "Vị quan chức nói rõ rằng quân đội Mỹ sẽ hết sức cân nhắc trong việc đưa máy bay có người lái vào không phận Syria" và nói thêm rằng "Mỹ từ lâu đã cho rằng Syria có một mạng lưới khổng lổ các radar và tên lửa phòng không và sẽ phải phá hủy diện rộng bằng bom trước khi các phi công Mỹ có thể bay an toàn qua Syria".


TTXVN/Tin Tức
Syria  "hâm nóng" hội nghị G8
Syria "hâm nóng" hội nghị G8

Các bộ trưởng ngoại giao G8 đã nhóm họp trong hai ngày 10 và 11/4 ở London (Anh), với một trong những chủ đề nổi cộm là tình hình Syria sau khi phe đối lập tại nước này lại ngỏ ý xin tài trợ vũ khí để lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN