Mới đây, Qatar và Đức đã ký kết bản hợp tác năng lượng với mục tiêu đưa Qatar trở thành nhà cung ứng khí hóa lỏng (LNG) chủ chốt đối với Đức. Nguồn cung LNG này dự kiến sẽ được vận chuyển qua các cung đường nhập khẩu hiện tại cùng với hạ tầng mới sẽ được Đức xây dựng theo quyết định mà Quốc hội nước này thông qua hôm 19/5.
Kế hoạch này bao gồm việc thuê mượn bốn tàu chở dầu nổi và tái hóa khí (FSRU) hoạt động ở bờ biển phía đông nước Đức. Cùng với đó là hai trạm nhập khẩu LNG đang được xây dựng. Hai dự án thành phần này được triển khai song song và dự kiến sẽ hoàn tất sớm hơn kế hoạch đề ra ban đầu.
LNG cung ứng cho Đức dự kiến sẽ được vận chuyển từ cơ sở Golden Pass ở Texas (Mỹ), dự án QatarEnergy nắm 70% cổ phần, 30% cổ phần còn lại thuộc về ExxonMobil. Dự án Golden Pass có mức sản lượng ước đạt 18 triệu m3 tấn LNG/năm và dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong năm 2024.
Hãy thử làm một phép so sánh: Trong năm ngoái, Đức nhập khẩu 142 tỉ m3 khí đốt (142 bcm), giảm khoảng 6,4% so với năm 2020, với mức nhập trung bình khoảng 12 bcm/tháng. Nga là nhà cung ứng khí đốt lớn nhất, chiếm 32% và chủ yếu là vận chuyển qua đường ống. Kế đến là Na Uy (20%), Hà Lan (12%). Tính ra, Đức nhập khẩu hơn 45 tỉ m3 khí đốt từ Nga, tương đương với khoảng 33 triệu m3 tấn LNG quy đổi, vượt xa so với công suất của dự án ở Golden Pass.
Vì vậy, để đưa Qatar trở thành nhà cung ứng khí đốt chủ chốt với Đức, chứ chưa nói đến cấp độ đủ sức thay thế Nga, còn rất nhiều việc cần phải xử lý, hoàn tất. Điểm mấu chốt là kế hoạch của Qatar trong phát triển mỏ LNG hàng đầu ở bồn địa North Dome ngoài khơi nước này.
Vựa khí North Dome cùng với bồn địa South Pars có diện tích 3.700 km2 ngoài khơi Iran được cho là khu vực tập trung lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Hai khu mỏ lớn có tổng diện tích 9.700 km2 này chiếm 8% trữ lượng khí tự nhiên toàn cầu, cùng với đó là trên 50 tỉ thùng khí hóa lỏng. Nguồn tài nguyên dồi dào này cho phép Qatar vươn tới vị thế nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Nhưng phải đợi đến năm 2027 Qatar mới có thể đưa vào khai thác tối đa dự án North Dome.
Sản lượng khí LNG hiện tại của Qatar đạt 77 triệu m3 tấn/năm. Quốc gia Trung Đông này lên kế hoạch tăng sản lượng lên mức 110 triệu m3 tấn vào năm 2025 nhờ đưa vào khai thác 4 mỏ mới và lên 126 triệu m3 tấn vào năm 2027 sau khi bổ sung thêm hai mỏ khác.
Như vậy, để thế chỗ Nga trở thành nhà cung ứng khí đốt chủ chốt cho Đức tính ở thời điểm hiện, Qatar cần phải dành ra toàn bộ 42% sản lượng LNG khai thác để vận chuyển sang Đức, đặt trong giả định mạng lưới hạ tầng tại Đức đã sẵn sàng. Đây là điều không dễ dàng, bởi hầu hết nguồn cung LNG đều gắn với các hợp đồng dài hạn và điểm đến rất rõ ràng. Để thay thế khối lượng khổng lồ này một cách nhanh chóng là điều gần như không thể.
Ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, LNG của Qatar hiện ưu tiên cho các khách hàng châu Á, khu vực nhập khẩu lớn nhất trong năm 2021, chiếm trên 57 triệu m3 tấn, tương ứng với 74% tổng sản lượng khai thác, trong khi châu Âu chiếm vị trí khiêm tốn hơn, với các khách hàng lớn nhất là Italy (4,84 triệu m3 tấn), Anh (5,54 triệu m3 tấn), Bỉ (2,34 triệu m3 tấn), Tây Ban Nha (2,05 triệu m3 tấn).
Giới chức Qatar thừa nhận không một quốc gia nào đủ sức thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga tức thời. Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi cho rằng đây là điều không thực tế trong hiện tại.
Mọi việc chỉ có thể khác đi sau năm 2027, thời điểm Qatar đạt mục tiêu nâng mức sản lượng LNG khai thác lên 60% so với hiện nay. Theo ông al-Kaabi, châu Âu là thị trường quan trọng mà Qatar hướng tới. Sau năm 2027, khoảng 50% xuất khẩu LNG của Qatar sẽ là sang châu Á và 50% sẽ có điểm đến là châu Âu.