Quân đội Ai Cập sẽ can thiệp khủng hoảng ra sao?

Theo các nhà phân tích, dưới sức ép của phe đối lập nhằm lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, các lực lượng vũ trang Ai Cập có thể sẽ đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia này, song chưa rõ chính xác họ sẽ hành động như thế nào.

Biểu tình phản đối Tổng thống Mohammed Morsi tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo, ngày 1/7. Ảnh: THX/TTXVN


Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi - người tuần trước đã cảnh báo rằng quân đội sẽ can thiệp nếu Ai Cập xảy ra tình trạng bất ổn - đang trở thành một nhân vật quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Phong trào Tamarod (tiếng Arập nghĩa là Nổi dậy) - lực lượng đứng đằng sau các cuộc biểu tình hiện nay chống lại ông Morsi - đã kêu gọi "quân đội, cảnh sát và bộ máy tư pháp hãy ủng hộ nguyện vọng của người dân mà các đám đông đang đại diện".

Lãnh đạo phe đối lập Hamdeen Sabbahi thúc giục quân đội can thiệp nếu ông Morsi từ chối từ chức. Sabbahi nói: "Người dân Ai Cập tin tưởng vào các lực lượng vũ trang", đồng thời nhắc lại việc ông Sisi từng nói rằng ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của nhân dân. Sabbahi nói thêm: "Người dân đang đợi Tướng Sisi giữ lời hứa".

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Sisi cảnh báo rằng "các lực lượng vũ trang có nghĩa vụ phải can thiệp nhằm không để Ai Cập bị đẩy vào 'đường hầm' tăm tối của xung đột và đấu tranh nội bộ". Ông nói: "Đây là trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm đối với quốc gia của quân đội, cần can thiệp nhằm ngăn chặn xung đột sắc tộc hoặc không để các thể chế của nhà nước bị sụp đổ".

Ngày 1/7, quân đội Ai Cập tuyên bố rằng Tổng thống Morsi và những người đối lập có 48 giờ để giải quyết tình thế bế tắc hiện nay. Phía quân đội khẳng định rằng nếu không đáp ứng được các yêu cầu của người dân, quân đội sẽ công bố và thực hiện lộ trình riêng của họ dành cho Ai Cập.

Phe đối lập ca ngợi những tuyên bố của ông Sisi, trong khi văn phòng của Tổng thống đã nhanh chóng phủ nhận rằng không có bất kể sự chia rẽ nào giữa ông Morsi và Bộ trưởng Quốc phòng. Ehab Fahmy - phát ngôn viên của tổng thống - nói rằng "bất kể quyết định nào có liên quan tới quân đội đều được đưa ra phù hợp với yêu cầu của Tổng thống, người vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang" theo quy định của Hiến pháp. Trong một động thái nhằm ngầm cảnh báo quân đội, Fahmy nhấn mạnh rằng "quân đội không có vai trò chính trị".

Nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng quân đội muốn trở lại nắm vai trò quản lý đất nước. Các nhà ngoại giao cho rằng 17 tháng cầm quyền trong thời kỳ chuyển tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đã là quá đủ đối với các tướng lĩnh quân đội. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 1/7, quân đội tái khẳng định cam kết ủng hộ nền dân chủ non trẻ của Ai Cập.

Nhà khoa học chính trị Hassan Nafaa làm việc tại Đại học Cairo cho biết hiện vẫn chưa rõ quân đội sẽ hành động như thế nào trong những ngày tới. Ông nói: "Quân đội không thể can thiệp trực tiếp trừ phi xảy ra những vụ đụng độ lớn và xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định của đất nước".

Theo ông, nếu quân đội can thiệp bằng cách đứng lên nắm quyền như họ từng làm sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011, "họ sẽ không muốn nắm quyền quá lâu mà chỉ trong một khoảng thời gian đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng". Nhà phân tích Nafaa đề xuất rằng quân đội có một lựa chọn khác là đóng vai trò như lực lượng đứng ra đảm bảo cho "một cuộc đối thoại dân tộc" nhằm tìm cách thoát khỏi thế bế tắc hiện nay.

Tuy nhiên, Tarek al-Hariri, làm việc cho nhật báo "Al-Tahrir", cho rằng tình thế bị tê liệt hiện nay của Ai Cập "có thể dẫn tới việc quân đội phải can thiệp nhằm đảm bảo rằng các thể chế tiếp tục vận hành, hoặc thúc ép những người cầm quyền phải đáp ứng những yêu cầu của người dân". Hariri nói rằng nếu bạo lực và tình trạng lộn xộn diễn biến nghiêm trọng tới mức "không thể đảo ngược", các lực lượng vũ trang có thể sẽ "can thiệp nhằm chấm dứt cuộc xung đột dân sự này".

Mặc dù mong muốn được công nhận là lực lượng đảm bảo hòa bình, song một số sĩ quan thừa nhận rằng họ vẫn còn bị ám ảnh bởi những ký ức tồi tệ trong thời gian một năm rưỡi quân đội cầm quyền, sau khi ông Mubarak bị sụp đổ cho tới khi ông Morsi đắc cử. Khi đó, các nhà lãnh đạo đối lập - những người hiện đang kêu gọi sự can thiệp của quân đội - đã kịch liệt chỉ trích sự cầm quyền của Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang (SCAF). Họ cáo buộc SCAF tiếp tục thực hiện sự cai trị độc đoán và vi phạm nhân quyền.

Khi ông Morsi loại bỏ được sự cầm quyền của SCAF và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Thống chế Lục quân Hussein Tantawi hồi tháng 8/2012, ông đã nhận được nhiều sự hoan nghênh. Việc thay thế ông Tantawi - ngoài 70 tuổi, một người thân cận với Mubarak và là một cựu binh trong các cuộc chiến tranh Arập-Israel - bằng một sĩ quan trẻ hơn ông 20 tuổi đã đánh dấu sự thay đổi thế hệ cũng như triển vọng của giới chức cấp cao tại Ai Cập.

Trong những tháng gần đây, việc đánh giá lòng trung thành của Tướng Sisi đối với Tổng thống Morsi trở thành một chủ đề gây nhiều đồn đoán. Ban đầu, ông Sisi được cho là người phù hợp với chính phủ Ai Cập do một người Hồi giáo đứng đầu, nhưng hiện nay ông lại được xem là người chỉ trích Tổng thống Morsi và luôn mong muốn bảo vệ hình ảnh của quân đội.


TTXVN/Tin tức
Văn phòng tổng thống Ai Cập bác tối hậu thư của quân đội
Văn phòng tổng thống Ai Cập bác tối hậu thư của quân đội

Văn phòng Tổng thống Ai Cập đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội nước này đưa ra hôm 1/7, đồng thời cho biết tổng thống sẽ tiếp tục kế hoạch đoàn kết dân tộc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN