Trong tuyên bố chung có tiêu đề “Quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ-Nhật Bản cho kỷ nguyên mới” công bố sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục “mối quan hệ đồng minh đã trở thành trụ cột của hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tuyên bố chung nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản được kết nối bằng các giá trị và nguyên tắc chung, những điều đã tạo tiền đề để hai nước thiết lập hợp tác, từ đó có thể xử lý các mối đe dọa toàn cầu, từ dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu tới các thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do và rộng mở.
Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên một loạt lĩnh vực. Để xây dựng mô hình hợp tác mới trong thế kỷ 21, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden đã khởi động quan hệ “Đối tác cạnh tranh và kiên cường (CoRe)” mới. Tổng thống Biden khẳng định CoRe sẽ tăng cường năng lực của hai nước nhằm đối phó với các thách thức cấp bách hiện nay.
Trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden nhất trí thúc đẩy “tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” và các quy tắc chung trên biển, bao gồm tự do đi lại trên biển và trên không theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Lãnh đạo hai nước “phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản" đối với quần đảo mà Tokyo đang kiểm soát và gọi là Senkaku, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Hai nước “cam kết tăng cường khả năng răn đe và ứng phó phù hợp với môi trường an ninh đầy thách thức để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng trên tất cả các mặt trận, trong đó có không gian mạng và vũ trụ”.
Đặc biệt, trong tuyên bố chung, Washington tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với quốc phòng của Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ Nhật-Mỹ, sử dụng tất cả các năng lực của mình, trong đó có năng lực hạt nhân. Chính quyền Tổng thống Biden cũng tái khẳng định Điều 5 của hiệp ước trên có hiệu lực với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden đã trao đổi quan điểm về các hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo bày tỏ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, hăm dọa hay cưỡng ép ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden nhắc lại sự phản đối của hai nước đối với “các yêu sách biển bất hợp pháp và các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông” và tái khẳng định mối quan tâm chung của hai nước đối với một “Biển Đông tự do và rộng mở”, trong đó quyền tự do đi lại trên biển và trên không được bảo đảm, phù hợp với UNCLOS.
Các nhà phân tích nhận định kết quả cuộc gặp cho thấy Mỹ và Nhật Bản có chung mối quan tâm đối với sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường chiến lược tại Đông Á thập niên vừa qua. Chuyên gia Nicholas Szechenyi, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở ở Washington, đánh giá “Cả Nhật Bản và Mỹ đều thừa nhận thách thức lớn nhất trong khu vực này là sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”. Trong khi đó, ông Toshihiro Nakayama, Giáo sư Đại học Keio, cho rằng Nhật Bản và Mỹ “đang ở điểm khởi đầu của cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài với Trung Quốc”, trong bối cảnh Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản và cả Mỹ. Đáng lưu ý, phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc.
Ngoài ra, tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhất trí tiếp tục hợp tác với các đồng minh và các đối tác, trong đó có Australia và Ấn Độ trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ (Quad). Hai bên cũng đề cập tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thừa nhận hợp tác ba bên với Hàn Quốc là cực kỳ quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của hai nước.
Đề cập vấn đề kinh tế hậu COVID-19, hai bên nhất trí rằng quan hệ đối tác theo mô hình CoRe sẽ đảm bảo rằng hai nước sẽ dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững, bao trùm, lành mạnh và xanh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu đó, quan hệ đối tác này sẽ tập trung vào ba trọng điểm: cạnh tranh và đổi mới; ứng phó với dịch COVID-19, vấn đề y tế toàn cầu và an ninh y tế; và biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, và tăng trưởng và phục hồi xanh. Đáng chú ý, hai bên tái khẳng định cam kết đối với sự an toàn và mở của mạng viễn thông 5G và hợp tác để củng cố các chuỗi cung ứng nhạy cảm, trong đó có chất bán dẫn, thúc đẩy và bảo vệ các công nghệ then chốt đối với an ninh và sự thịnh vượng của hai nước.
Từ cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden, có thể nói rằng “kỷ nguyên mới của tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Mỹ” đã bắt đầu. Hai bên đã “làm mới” lại mối quan hệ đồng minh được cả hai khẳng định là hết sức quan trọng, thông qua việc nhấn mạnh cam kết đối với giao ước đồng minh và khởi động "quan hệ đối tác cạnh tranh và kiên cường". Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Nhật Bản là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức được coi là một tín hiệu cho thấy Washington đang đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.