Tại Zurich, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp kéo dài tới 6 giờ với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Hai bên thảo luận về một loạt những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương cũng như cách thức can dự để Mỹ, Trung Quốc tránh đối đầu, gây tổn thương cho nhau cũng như nguy cơ hiểu lầm nguy hiểm.
Tuy nhiên, 9 tháng sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Trung vẫn chưa thể rời khỏi vạch xuất phát. Kết thúc cuộc đàm phán ở Geneva, quan chức cấp cao của Mỹ đã không thể trả lời câu hỏi của báo giới đề nghị cho biết lĩnh vực cụ thể mà Mỹ và Trung Quốc đang hợp tác tích cực, hiệu quả.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden chọn cách tiếp cận “3 điểm” trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là hợp tác ở những lĩnh vực hai bên có lợi ích chia sẻ, cạnh tranh nếu điều đó là cần thiết và đối đầu nếu như bắt buộc phải làm vậy để bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh. Cụ thể, ông Biden khi mới bước chân vào Nhà Trắng đã cam kết sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực như phát triển công nghệ, đối đầu về hồ sơ nhân quyền và hợp tác trong chống biến đổi khí hậu cũng như một số chủ đề quan trọng khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận cách tiếp cận này. Bắc Kinh tuyên bố sẽ không thể có hợp tác về chống biến đổi khí hậu đặt ngoài khuôn khổ quan hệ song phương tổng thể Mỹ-Trung. Nếu Mỹ muốn đối đầu, muốn khơi mào cuộc chiến ngôn từ, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận bước vào cuộc chơi tay đôi. Bắc Kinh nhiều lần lặp lại quan điểm nếu thực sự muốn hướng đến quan hệ tích cực hơn, Washington cần dừng ngay việc chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ-Trung gần như không có bước tiến đáng kể nào trong gần một năm qua. Về kinh tế-thương mại, Mỹ vẫn duy trì chính sách cứng rắn được dựng lên từ thời ông Donald Trump. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 4/10 khẳng định Mỹ vẫn giữ nguyên trừng phạt thuế để ép Bắc Kinh thực thi cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
“Chúng tôi sẽ sử dụng một loạt công cụ sẵn có và phát triển công cụ mới nếu cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ trước các chính sách và hành vi kinh tế có hại”, bà Tai nêu quan điểm. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc “lừa dối” trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và đe dọa sẽ không có “thỏa thuận giai đoạn 2”.
Với những hồ sơ nóng khác liên quan đến nhân quyền, tình hình Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, hai bên cũng chưa thể tìm được cách tiếp cận tương đồng. Trong trao đổi với ông Sullivan tại Zurich, ông Dương Khiết Trì cũng nêu lại quan điểm nhất quán của Bắc Kinh, coi đây là những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Mỹ không được lợi dụng những chủ đề trên để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Thậm chí còn xuất hiện thêm một số nhân tố mới tiềm ẩn nguy cơ gia tăng đối đầu Mỹ-Trung tại khu vực. Mới nhất là sự hình thành của quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS). Bắc Kinh nhìn nhận sự ra đời của AUKUS gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực, lôi kéo chạy đua vũ trang. Theo quan điểm của Trung Quốc, AUKUS là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời” và cảnh báo Mỹ, Anh, Australia đang "làm tổn hại lợi ích của chính họ".
Trong bối cảnh đó, không có gì là ngạc nhiên khi Mỹ đề ra mục tiêu khá khiêm tốn trong hợp tác với Trung Quốc. “Điều chúng tôi đang cố gắng đạt được là duy trì trạng thái ổn định cho quan hệ Mỹ-Trung mà ở đó hai bên có thể cạnh tranh cao độ, nhưng đủ năng lực quản trị cạnh tranh một cách có trách nhiệm”. Nhưng ngay cả mục tiêu này xem ra cũng không đơn giản, bởi ông Dương Khiết Trì tuyên bố Trung Quốc phản đối việc định danh quan hệ Mỹ-Trung bằng khái niệm “cạnh tranh”.
Cuộc gặp tại Zurich vừa qua có thể coi là bước đi tích cực hiếm hoi, nhưng có đột phá hay không chắc chắn sẽ phải chờ đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình theo hình thức trực tuyến diễn ra vào cuối năm nay.