Sáng kiến mới này được đề cập trong bài phát biểu định hướng chính sách của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong ngày 4/10 (giờ Washington D.C) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Tại đây, bà Tai cho biết Mỹ sẽ hối thúc Trung Quốc thực thi cam kết của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1/2020. Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ cũng khẳng định phía Mỹ không có kế hoạch mở một cuộc điều tra mới liên quan đến hành vi thương mại của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ sử dụng một loạt công cụ sẵn có và phát triển công cụ mới nếu cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ trước các chính sách và hành vi kinh tế có hại”, bà Tai nêu quan điểm trong bài phát biểu lớn đầu tiên đề cập đến chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức.
Bà Tai cũng thông báo quyết định mở lại tiến trình cho phép các công ty Mỹ tìm kiếm miễn trừ trừng phạt thuế khi nhập khẩu nguồn hàng từ Trung Quốc. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận quy trình này nếu chứng minh được họ không có nguồn hàng thay thế từ Trung Quốc. Nhưng ông Biden sau đó đã không gia hạn chương trình này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng qua đã tiến hành rà soát chính sách với Bắc Kinh, trong đó có việc áp thuế trừng phạt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá lên đến 370 tỉ USD, nhằm vào hàng nghìn các dòng sản phẩm mà nhiều trong số này đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung đối với nhà máy sản xuất đặt tại Mỹ.
Giới chức Mỹ cho biết họ có kế hoạch giữ nguyên thuế trừng phạt, thậm chí xem xét áp thêm thuế mới, coi đó là công cụ để buộc Trung Quốc tuân thủ và thực hiện điều khoản cam kết tăng mua hàng Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc tăng thêm 200 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021, với mốc so sánh là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017. Riêng với năm 2020, theo đúng thỏa thuận đề ra, Bắc Kinh phải tăng lượng hàng hóa mua từ Mỹ thêm ít nhất là 63,9 tỉ USD so với ngưỡng của năm 2017.
Theo tính toán của Chad Bown, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), Trung Quốc mới chỉ hoàn thành 60% cam kết tăng mua hàng Mỹ trong năm 2020. Còn dựa theo tiến độ nhập khẩu 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc cũng cũng chỉ hoàn thành được 70% cam kết mua hàng Mỹ trong năm 2021.
Tháng 5 vừa qua, bà Tai đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc. Hai bên mô tả cuộc đối thoại này diễn ra trong bầu không khí thẳng thắn, ông Lưu Hạc tiếp tục kêu gọi Mỹ rút thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, bà Tai không có bất kỳ tiếp xúc nào với phía Trung Quốc. Dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ sẽ sớm mở cuộc trao đổi với đồng cấp phía Trung Quốc.
Nhiều tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động nhanh chóng, viện dẫn tầm quan trọng của thị trường tiêu dùng khổng lồ tại Trung Quốc với các công ty Mỹ. “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chính quyền [Tổng thống Biden] thực hiện bước tiến mới thông qua việc công bố chiến lược với Trung Quốc. Can dự với đồng minh là quan trọng. Nhưng chỉ có can dự với đồng minh là không đủ. Kết nối trực tiếp với Trung Quốc cũng rất cần thiết”, ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ nói.
Giới chức Trung Quốc phản ứng thận trọng trước phát biểu của Đại diện Thương mại Mỹ. Một số quan chức coi đây là dấu hiệu tích cực, khi bà Tai không phê phán gay quá gay gắt việc Trung Quốc không tuân thủ cam kết mua hàng, đồng thời phát đi tín hiệu Washington mong muốn tái khởi động đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc về cơ bản thất vọng với chính sách của Washington tính đến thời điểm này. Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo tại Bắc Kinh muốn Nhà Trắng đảo nghịch chính sách chống Trung Quốc được thiết lập dưới thời ông Donald Trump.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi yêu cầu của báo giới, đề nghị cho biết phản ứng về phát biểu của bà Tai.