Cựu chuyên gia phân tích tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Philip Giraldi phát biểu với kênh RT (Nga): “Đó là một sự leo thang đáng tiếc về một vòng trừng phạt chống Nga bởi chính quyền Trump”. “Điều này tạo ra một vòng xoáy trừng phạt và trả đũa bất tận mà không có lối thoát dễ dàng nào. Nó không phải một dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng thực chất đang tìm cách để cải thiện quan hệ với Kremlin”, ông Giraldi lập luận.
Hôm 31/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu đóng cửa tòa lãnh sự quán Nga ở San Francisco cùng với hai tòa nhà phụ ở Washington và New York. Quyết định này được đưa ra để trả đũa việc Moskva yêu cầu Washington cắt giảm 455 nhà ngoại giao về nước kể từ ngày 1/9. Thông qua điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhắc nhở người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng phía Mỹ đã gửi thông báo cho Tổng thống Vladimir Putin về lệnh đóng cửa từ ngày 2/9 này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Lệnh đóng cửa do chính quyền Trump ban hành là một ví dụ mới nhất của mối quan hệ song phương đang xấu đi giữa Washington và Moskva. Tháng 12 năm ngoái, chính quyền Obama đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao của nước này tại Mỹ - động thái trừng phạt liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Chính phủ Nga khi đó vốn định trả đũa ngay lập tức nhưng cuối cùng lại quyết định chờ đợi Tổng thống Trump lên nắm quyền rồi xem xét tình hình.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước. Tuy nhiên áp lực từ Quốc hội Mỹ, đặc biệt là các thành viên đảng Dân chủ đã đạp đổ các nỗ lực trên. Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua các dự luật trừng phạt bổ sung chống Nga. Tổng thống Putin phản ứng bằng cách tuyên bố cắt giảm sự hiện diện ngoại giao Mỹ tại đất nước mình. Mục đích của nhà lãnh đạo Nga, theo lời ông nói tại thời điểm đó, là tạo ra sự công bằng giữa mức độ nhân viên ngoại giao của hai nước.
Bộ Ngoại giao Nga thông báo sẽ đưa ra phản ứng thích hợp sau khi nghiên cứu các biện pháp cấm vận của Mỹ. “Để trích dẫn lời của lãnh tụ Vladimir Lenin, chúng tôi không cần bất cứ cơn bùng nổ dữ dội nào”, ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Washington mới được bổ nhiệm khẳng định.
Trong khi đó, cựu đại sứ Anh tại Syria và Bahrain, ông Peter Ford lại tin tưởng quyết định đóng cửa 3 cơ sở ngoại giao Nga là một ví dụ cho sự
mâu thuẫn trầm trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là kết quả cuộc một cuộc vật lộn đang diễn ra trong nội bộ chính quyền.
“Tôi nghĩ hành động của Mỹ vừa hoang tưởng vừa lưỡng cực cùng lúc. Người Nga có lẽ sẽ thấy rất rắc rối để đọc vị hành xử của Mỹ, hoàn toàn không có tính kiên định”, Ford phát biểu với kênh RT.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Jim Jatras thì cho rằng: “Đối với nhiều người ở Washington, các quan hệ tồi tệ với Nga là một dấu chấm hết cho chính nó, chứ không phải một phương tiện để kết thúc. Nếu có ai đó trong chính quyền của ông (Trump) muốn cải thiện quan hệ với Nga, đó chính là ông ấy – tuy nhiên tôi có thể nói rằng ông ấy là người duy nhất”.
Ông Dan Kovalik, giáo viên môn nhân quyền quốc tế tại Đại học Pittsburgh lại nêu ý kiến cá nhân rằng cuộc khủng hoảng leo thang này do phía Mỹ châm ngòi. “Ngay khi có vẻ như là một bước đột phá giữa Mỹ và Nga tại hội nghị thượng đỉnh G-20, Quốc hội Mỹ đã phản ứng về khả năng của một sự hòa hoãn bằng một dự luật áp đảo và hiệu lực lập tức áp đặt một vòng trừng phạt mới chống Nga, nhằm vào hoạt động buôn bán khí đốt tự nhiên của Nga tại châu Âu”.
Ông Kovalik cho rằng: “Đã đến lúc Mỹ cần rút khỏi các hoạt động khiêu khích Nga và tìm một con đường để hợp tác với Nga như bạn bè và đối tác như Nga đã mong muốn nhiều năm nay”.
“Biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho mọi người trên trái đất, trừ khi chúng ta cuối cùng có được một sự nhất quán trong lãnh đạo Mỹ, để rút lui khỏi bờ vực”, giáo sư truyền thông Mark Crispin tại Đại học New York cho biết.