Ngày 6/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã chỉ trích vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny - nhân vật hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Berlin (Đức) và cho rằng Nga cần đưa ra lời giải trình về vụ việc.
Phát biểu với đài phát thanh France Inter, ông Le Drian nêu rõ: "Đó là một tình huống nghiêm trọng. Đó là hơn một người nhân vật đối lập Nga bị đầu độc trên đất Nga bằng một sản phẩm của quân đội Nga. Vì vậy, chúng tôi muốn nghe giải trình".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng nói Moskva cần giải thích về cách nhân vật đối lập Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Phát biểu với hãng Sky News, ông Raab cho rằng cho dù vụ việc này có liên quan tới nhà nước hay không thì Nga vẫn có nghĩa vụ đảm bảo rằng vũ khí hóa học không thể được sử dụng trên lãnh thổ của mình.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho hay Đức sẽ thảo luận về khả năng trừng phạt Nga liên quan tới vụ đầu độc thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny nếu Điện Kremlin không sớm đưa ra lời giải thích về vụ việc. Phát biểu với nhật báo Bild của Đức, ông Mass nhấn mạnh: "Nếu trong những ngày tới, Nga không hợp tác để làm rõ những gì đã xảy ra, chúng ta sẽ buộc phải thảo luận với các nước đồng minh của mình về biện pháp đáp trả".
Về phần mình, Điện Kremlin ngày 7/9 lên tiếng phủ nhận giới chức Nga có liên quan đến nghi án đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny. Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: “Bất kỳ âm mưu nào nhằm gắn Nga hoặc giới lãnh đạo Nga vào những gì đã xảy ra là điều không thể chấp nhận. Những câu chuyện đó thật phi lý”. Ông Peskov cho biết thêm Điện Kremlin đang đợi thông tin từ Đức liên quan đến trường hợp của thủ lĩnh đối lập Navalny.
Vụ việc liên quan tới Navalny không chỉ khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động hợp tác năng lượng giữa hai bên. Thủ tướng Đức Angela Merkel lâu nay vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định theo đuổi tới cùng dự án tuyến đường ống trị giá 11 tỉ USD với Nga, với luận điểm chính trị cần tách bạch khỏi các vấn đề kinh tế.
Nhưng cách tiếp cận đó đang đứng trước sức ép lớn, với việc thủ lĩnh đối lập người Nga được đưa tới điều trị ở một bệnh viện tại Đức kèm thông tin cho rằng người này bị đầu độc bởi chất độc thần kinh cùng cáo buộc có sự can dự của Nga. Ngay cả một số thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel giờ cũng lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Đức cần phải đáp trả bằng việc hủy dự án Nord Stream 2.
Tuyến đường ống dài 1.230km chạy qua biển Baltic hiện đã hoàn tất 94% khối lượng công việc bất chấp sức ép dọa trừng phạt từ Mỹ. Tính đến ngày 28/8, bà Merkel vẫn cho rằng cần hoàn thiện nốt dự án này. Đây cũng là thời điểm mà ông Navalny đã được đưa tới Berlin để điều trị, nhưng chưa có kết luận chính thức về chất độc thần kinh Novichok có trong cơ thể người này.
Bà Merkel lâu nay vẫn cổ vũ can dự ngoại giao và thương mại với cả Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Đức cho rằng Nga quá gần châu Âu, còn Trung Quốc có sức mạnh kinh tế quá lớn và vì thế không thể cô lập một trong hai nước này. Nhưng tình thế hiện nay rất khó để bà Merkel duy trì cách tiếp cận trên.
Hôm 27/8, Norbert Rottgen, thành viên cao cấp trong đảng CDU và là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại ở Quốc hội Đức, người luôn chỉ trích dự án Nord Stream 2, kêu gọi Đức đáp trả vụ lùm xùm này bằng biện pháp mạnh tay, trong đó có cả hủy dự án tuyến đường ống này cũng như chấm dứt việc bán khí đốt của Nga.
“Chúng ta cần đáp trả bằng một thứ ngôn ngữ duy nhất mà ông Putin hiểu, đó là ngôn ngữ về khí đốt và việc bán khí đốt”, ông Rottgen nói và cho rằng việc cho tiếp tục triển khai Nord Stream 2 sẽ chỉ khuyến khích nước Nga làm những chuyện tương tự, với lối suy nghĩ mặc sức hành động mà không lo bị châu Âu đáp trả.
Chính quyền Tổng thống Trump và nhiều nhóm trong Quốc hội Mỹ luôn tìm cách hủy hoại Nord Stream 2, đe dọa sử dụng trừng phạt thứ cấp nhằm vào các công ty tham gia dự án này, nhưng chưa làm bà Merkel nhụt trí. Nay vụ đầu độc Navalny có thể cho Thủ tướng Đức một lý do để làm khác và bà hoàn toàn có thể đổ lỗi cho phía Nga - Daniela Schwarzer, Giám đốc Hội đồng Đức về Quan hệ Đối ngoại (GCFR) bình luận.
Bà Merkel không đơn độc trong theo đuổi Nord Stream 2. Nhiều thành viên trong đảng của bà ủng hộ quan điểm này. Jurgen Hardt, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại cho phái bảo thủ tại Quốc hội Đức cho rằng Berlin cần có phản ứng đồng nhất với châu Âu.
Ông Hardt hy vọng Thủ tướng Đức sẽ phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tìm được tiếng nói chung trong vụ “đầu độc ông Navalny”, có tính đến “trừng phạt hiệu quả”, nhưng không đẩy kinh tế Nga tới bờ sụp đổ. Ông cũng cho rằng bà Merkel sẽ không hủy dự án Nord Stream 2.
Giới học giả có đánh giá tương tự. Theo Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhìn nhận EU và NATO đang phải quan tâm đến nhiều vấn đề từ Belarus, Ukraine, Syria, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới leo thang tranh chấp ở đông Địa Trung Hải. Đây đang là thời điểm mà cả hai đầu tàu Đức và Pháp không muốn tiêu tốn nguồn lực chiến lược đối phó với Nga trong khi phải đối mặt với quá nhiều điểm nóng cùng lúc.
Ian Bond, Giám đốc chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), nguyên là nhà ngoại giao anh tại Moskva nhận định, bà Merkel trước tiên sẽ đẩy Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) mở cuộc điều tra, tương tự như cách mà Anh làm trong vụ tấn công đầu độc ở Salisbury năm 2018. Sau đó, Thủ tướng Đức có thể nêu vấn đề ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, EU và NATO.
Theo ông Bond, kết cục cuối cùng có thể sẽ là một số lệnh cấm vận hạn chế, trục xuất một số “nhà ngoại giao” với cáo buộc hoạt động gián điệp và cao hơn là phát lệnh bắt giữ quốc tế nhằm vào số nhân vật được xác định có "trách nhiệm liên đới".