Ngoài thủ tướng của các nước thành viên cơ chế “16+1”, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện EU, Áo, Thụy Sỹ, Hy Lạp và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Belarus, theo sáng kiến của nước chủ nhà Latvia. Bên lề Hội nghị cũng diễn ra hàng loạt các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước.
Theo chuyên gia Szczudlik, “kết nối” là chủ đề chính của Hội nghị lần này. Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu đã tập trung tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, nhất là việc triển khai sáng kiến “Ba Biển” (biển Adriatic, Baltic và Biển Đen), được đưa ra từ năm 2015. Tuyên bố Riga, được thông qua tại Hội nghị đã đề cập tới việc triển khai sáng kiến trên thông qua việc xây dựng, phát triển các cảng biển cũng như các trung tâm vận chuyển hàng hóa, khu công nghiệp và hành lang giao thông.
Ban thư ký phụ trách hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu sẽ được thành lập năm 2017, có trụ sở tại Ba Lan. Đây sẽ là cơ chế hợp tác thứ ba trong khuôn khổ “16+1” sau Hội đồng doanh nghiệp và hiệp hội các cơ quan đầu tư. Việc nhấn mạnh hợp tác hàng hải tại Hội nghị lần này là theo sáng kiến của Latvia do thương mại hàng hải đóng vai trò rất quan trọng đối với Riga. Ngoài ra, kết quả hợp tác hạn chế trong cơ chế “16+1” và sáng kiến “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc buộc các nước thành viên phải tìm kiếm các lĩnh vực khác nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.
Dự án đường sắt cao tốc nối Belgrade (Serbia) và Budapest (Hungary). Ảnh: Times |
Trung Quốc cũng đưa ra các công cụ tài chính mới nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các nước Trung-Đông Âu. Hỗ trợ tài chính của Trung Quốc dành cho các nước trong khu vực thông qua các khoản vay, cũng tương tự như cách thức Bắc Kinh triển khai ở châu Phi, đã không còn hấp dẫn do các nước Trung-Đông Âu có thể tiếp cận được các quỹ của EU. Quỹ đầu tư trị giá 10 tỉ euro đã được thiết lập tại Hội nghị Riga, do công ty tài chính trực thuộc Ngân hàng ICBC Trung Quốc điều hành. Các nước “16+1” đang có kế hoạch lập hiệp hội các ngân hàng của các nước thành viên. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thiết lập các cơ chế mới nhằm “cụ thể hóa” hợp tác với các nước riêng rẽ ở Trung-Đông Âu trong một số lĩnh vực như năng lượng (Romania), công nghệ (Slovkia), lâm nghiệp (Slovenia), văn hóa (Macedonia).
Trong những năm qua cơ chế hợp tác “16+1” đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung-Đông Âu từ đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế cho đến trao đổi văn hóa, tiếp xúc giữa người dân với người dân. Các nước Trung-Đông Âu cũng gia tăng vị thế với Brussels khi cho thấy khả năng thiết lập cơ chế hợp tác riêng với Trung Quốc và theo đuổi chính sách đối ngoại chủ động với các cường quốc ngoài EU. Các nước Trung-Đông Âu, nhất là các nước chủ nhà các hội nghị cấp cao đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư không chỉ từ các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, cơ chế này cũng bộc lộ một số điểm hạn chế. Cho đến nay, việc triển khai dự án đường sắt cao tốc nối Belgrade (Serbia) và Budapest (Hungary), dự án “thương hiệu” của cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu tiến triển chậm. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã ký nhưng chưa được triển khai. Đồng thời, việc Trung Quốc ký kết hỗ trợ thêm 1,7 tỉ USD cho Hungary trong việc triển khai dự án trên cũng gây lo ngại về việc gia tăng nợ công của nước này. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ lập doanh nghiệp chung để triển khai dự án trong đó Bắc Kinh đóng góp 85% kinh phí còn 15% còn lại là do Budapest góp. Ủy ban châu Âu đã có động thái can thiệp đầu tiên đối với thỏa thuận này do việc triển khai dự án không thông qua cơ chế đấu thầu.
Tổng mức đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Trung-Đông Âu còn thấp, trong khi thâm hụt thương mại giữa các nước trong khu vực với Bắc Kinh đang gia tăng. Trung Quốc vẫn chưa hiện thực hóa cam kết đặt các cơ sở sản xuất ở Trung và Đông Âu như cam kết đưa ra tại các hội nghị cấp cao trước đó. Trong khi đó, các nước Trung-Đông Âu đang cạnh tranh lẫn nhau trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Điều này khiến cho các nước trong khu vực thiếu một chính sách đối ngoại thống nhất với Bắc Kinh.
Chuyên gia Szczudlik nhận định, Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu sẽ tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác “16+1”. Đây là công cụ chính trị hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Khả năng cơ chế này sẽ được mở rộng, kết nạp thêm các nước quan sát viên. Gần đây, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh “16+1” là một cơ chế mở. Việc mở rộng cơ chế “16+1” giúp Trung Quốc khẳng định vị thế quốc tế đang lên với việc thu hút thêm được các nước đồng minh. đồng thời triển khai các mục tiêu chiến lược như dự án “Con đường tơ lụa”, thúc đẩy EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước này hay việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong cuộc gặp trong khuôn khổ “16+1” tại Ninh Ba (Trung Quốc) hồi tháng 6 năm nay, Hungary công khai tuyên bố ủng hộ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc. Tại thời điểm Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”, Croatia đã lưỡng lự trong việc thông qua tuyên bố chung của EU về vấn đề này. Trong khi đó, các nước Trung-Đông Âu sẽ sử dụng cơ chế này để đạt được lợi các ích riêng và tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc.