Trong cuộc phỏng vấn với mạng tin Eurasia.expert mới đây, cựu lãnh đạo Cục Kế hoạch Nhà nước Moldova, nhà khoa học kinh tế Mikhail Poisik, đã phân tích hậu quả từ việc mối quan hệ xấu đi của nước này với Nga, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.
Theo ông Poysik, Nga và Moldova vừa mới kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (6/4) trong bối cảnh xu hướng khủng hoảng trong quan hệ giữa Moskva và Chisinau đang gia tăng dưới thời Tổng thống Moldova Maia Sandu, người đã thực hiện lộ trình cắt đứt quan hệ với Nga và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) nói chung.
Chính sách hội nhập châu Âu “bằng mọi giá” của Tổng thống Sandu đã dẫn đến nguy cơ khủng hoảng kinh tế và dòng người dân di cư. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Moldova dưới chính quyền thân châu Âu đã tăng gấp 5 lần. Trong bối cảnh đó, phe đối lập Moldova đã nhiều lần kêu gọi không phá hủy mà phát triển mối quan hệ cùng có lợi với Nga, EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu) và CIS.
Mối quan hệ giữa Moldova và Nga bắt đầu suy giảm nghiêm trọng ngay sau khi bà Sandu được bầu làm tổng thống nước này vào năm 2020. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Tổng thống Sandu trước đây từng là cố vấn cho Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard ở Mỹ từ năm 2010 đến tháng 7/2012. Kể từ tháng 5/2016, bà Sandu là Chủ tịch đảng Hành động và Đoàn kết do chính mình thành lập. Từ tháng 6 đến tháng 11/2019, dù chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng bà đã đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Moldova.
Chuyên gia Poysik lưu ý, sự suy thoái của nền kinh tế Moldova không phải bắt đầu từ những năm gần đây mà từ sự sụp đổ của Liên Xô. Trước năm 1990, hàng hóa có giá trị gia tăng cao và hàng hóa có hàm lượng tri thức cao của Moldova phần lớn bắt nguồn từ Liên Xô. Nhưng khi xích lại gần phương Tây trong những năm gần đây, EU không quan tâm đến việc phát triển các ngành công nghiệp như vậy, thậm chí còn áp dụng các cơ chế hạn chế lĩnh vực này với những rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Do đó, các mặt hàng chính của Moldova xuất khẩu sang phương Tây trong ba thập kỷ qua vẫn là nguyên liệu thô và các sản phẩm từ nguyên liệu do khách hàng nước ngoài với giá trị gia tăng, trình độ lao động và mức lương tối thiểu.
Việc từ chối hợp tác trong CIS và mất thị trường truyền thống là Nga cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghiệp và nông nghiệp Moldova. Chỉ riêng cuối năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang CIS giảm 14% và nhìn chung, xuất khẩu của Moldova giảm 6,5% xuống còn 4 tỷ USD, trong đó tái xuất 1,1 tỷ USD (29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu). Đồng thời, tổng khối lượng nhập khẩu được ghi nhận ở mức 8,6 tỷ USD, gấp 2,1 lần so với xuất khẩu.
Theo cơ sở dữ liệu COMTRADE của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, xuất khẩu của Moldova sang Nga khoảng 144 triệu USD trong năm 2023, so với 190 triệu USD năm 2022.
Tóm lại, tình hình kinh tế ở Moldova, vốn từng là "vườn ươm" công nghệ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tiên tiến thời Liên Xô, giờ đây đã xuống cấp nghiêm trọng, biến nước này trở thành quốc gia nghèo nhất châu Âu.
Kết quả là Moldova kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng GDP thấp, với chỉ 0,7%. Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Số hóa Moldova Dmitry Alaiba thừa nhận nước này tụt hậu ở châu Âu về trình độ phát triển kinh tế và hiện tiềm năng tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2-3%/năm. Theo ông Alaiba, để có một bước đột phá về kinh tế, mức tăng trưởng hàng năm của Moldova phải đạt ít nhất 8%.
Chuyên gia Poysik kết luận, Moldova là một quốc gia nhỏ và tình hình kinh tế xã hội của nước này phụ thuộc vào khả năng điều hành của chính phủ hiện tại trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, trong đó xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp cùng có lợi không chỉ với từng quốc gia mà với cả thế giới.