Theo hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 28/2, Transnistria sẽ nhờ Nga hỗ trợ trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Moldova theo nghị quyết được đưa ra tại đại hội các quan chức khu vực được tổ chức ở Tiraspol.
Nghị quyết được thông qua tại đại hội do nhà lãnh đạo Transnistria Vadim Krasnoselsky kêu gọi Chính phủ và Duma Quốc gia Nga thực hiện các biện pháp bảo vệ Transnistria trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Moldova, vì có hơn 220.000 công dân Nga cư trú trong khu vực này.
Nghị quyết cũng kêu gọi Liên hợp quốc, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Nghị viện châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các tổ chức khác ngăn chặn leo thang giữa Transnistria và Moldova, góp phần khôi phục mối quan hệ giữa hai bên.
Nghị quyết nêu rõ: “Transnistria sẽ kiên trì đấu tranh cho tính chính danh, quyền và lợi ích của người dân Transnistria và sẽ không từ bỏ bất chấp mọi áp lực từ bên ngoài”.
Đại hội đại biểu khu vực Transnistria có sự tham dự của hơn 600 quan chức chính quyền. Trong tuyên bố, các đại biểu tham dự cáo buộc Moldova đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống Transnistria, cho rằng nước này cố tình ngăn chặn các cuộc đàm phán với Transnistria.
Đầu năm 2024, Moldova đã hủy bỏ các quyền lợi hải quan dành cho các doanh nhân Transnistria, gây ra phản ứng gay gắt từ khu vực, dẫn đến các cuộc biểu tình ở Tiraspol phản đối động thái của Moldova.
Mối quan hệ giữa Transnistria và Moldova trở nên lạnh nhạt đáng kể sau khi bà Maia Sandu được bầu làm Tổng thống Moldova vào năm 2020. Bà Sandu đã đưa ra một số tuyên bố gay gắt đối với Transnistria và nói rằng không giống như các nhà lãnh đạo trước đây, bà sẽ không gặp nhà lãnh đạo Transnistria. Căng thẳng leo thang vào đầu năm nay sau khi Chisinau quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Transnistria qua Moldova.