Tạp chí ThinkAfricaPress (Anh) số ra mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Kester Kenn Klomegah cho rằng sự thờ ơ của nước Nga đối với châu Phi đang cản trở việc mang lại các lợi ích kinh tế và chính trị cho nước này.
Trong chuyến thăm Nigiêria (tháng 6/2009), Tổng thống Nga thời đó, D.Medvedev, thừa nhận, Nga đã chậm chân ở châu Phi. |
Bài báo cho rằng, việc hợp tác với châu Phi đem lại lợi ích quan trọng về mặt địa - chính trị, khi 54 quốc gia châu Phi là một lực lượng quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu tại các diễn đàn quốc tế. Không tranh thủ được các quốc gia này, nỗ lực của Nga nhằm đạt được quyền lực mềm tại khu vực cho đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Bài báo dẫn lời bà Irina Filatova, Giáo sư danh dự tại Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) và Giáo sư Đại học nghiên cứu quốc gia ở Mátxcơva, nhận xét rằng nước Nga hiện không có một chính sách cụ thể nào đối với châu Phi và sự can dự của Nga vào châu Phi cũng ít hơn nhiều so với Liên Xô trước kia.
Bà Ana Cristina Alves, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Viện quan hệ quốc tế của châu Phi và giảng viên Đại học Witwatersrand của Nam Phi, cho rằng hợp tác về thương mại và kinh tế giữa Nga và châu Phi có tiềm năng lớn, nhưng bà không cho rằng châu Phi là một ưu tiên của Nga trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù Nam Phi, quốc gia đầu tàu ở châu Phi, đã trở thành thành viên của nhóm BRICS, nhưng sự hợp tác trong khối vẫn thiên về các quan hệ chính trị mang tính toàn cầu hơn là nhằm gắn kết Nga với châu Phi. Tổ chức này thường kêu gọi thay đổi trật tự kinh tế (và chính trị) trên thế giới chứ không nhằm xây dựng bất cứ quan hệ đối tác chiến lược nào giữa châu lục và nước Nga bởi quan hệ kinh tế giữa Nga và châu lục hiện đang rất yếu ớt.
Ông Lesley Masters, nhà nghiên cứu trưởng tại Viện nghiên cứu đối thoại toàn cầu của Nam Phi, cho rằng các nước BRICS không cảm thấy cần thiết phải tạo dựng một "bàn đạp cho việc đối thoại giữa Nga và châu Phi", chủ yếu do sự hiểu biết chưa đầy đủ của Nga về châu Phi.
Trong chuyến thăm chính thức Nigiêria hồi tháng 6/2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã thẳng thắn thừa nhận rằng, Nga đã "gần như quá chậm chân" trong quan hệ với châu Phi, cho dù Liên Xô "từng có một vị trí tốt đẹp tại châu lục và từng giúp nhiều nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập".
Rex Essenowo, nhà phân tích kinh tế độc lập, cho rằng sự nổi lên của nhóm BRICS đang là một bàn đạp tốt cho việc làm mới quan hệ thương mại và kinh tế với châu Phi, và nước Nga không thiếu nguồn lực để thúc đẩy quan hệ đó.
Theo các chuyên gia phân tích, sự trở lại của Nga lần này, nếu có, cũng sẽ đầy thách thức. Những thách thức đó có thể còn lớn hơn lợi ích tiềm tàng. Ông Andrei Petrov, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến mới đối với châu Phi, cho rằng vấn đề chính mà các doanh nghiệp Nga đang phải đối phó khi đầu tư ra nước ngoài là việc thiếu một hệ thống hỗ trợ về tài chính từ phía chính phủ và các thể chế thương mại. Ngoài ra còn là các vấn đề liên quan đến các rủi ro về chính trị khi đầu tư vào Bắc Phi. Do các sự kiện mới đây tại Libi, Nga đã bị mất nhiều dự án lớn, trong đó có cả dự án xây dựng tuyến đường sắt ở Bengazi-Sirt trị giá 2,7 tỷ USD. Ông Petrov còn cho rằng, Nga rất khó cạnh tranh với Trung Quốc bởi sự linh hoạt của Trung Quốc và khả năng bỏ thầu giá thấp đối với gần như tất cả các dự án tại châu Phi.
Minh Đức