Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Nhà kinh tế) cho rằng, chính sách quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm qua. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả ban đầu, việc đồng tiền này thực sự trở thành đồng tiền toàn cầu còn nhiều khó khăn.
Trong năm qua, Trung Quốc đã có nhiều bước đi mạnh mẽ để quốc tế hóa đồng NDT như cho phép 20 tỉnh, thành thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng tiền này; ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Malaixia, Inđônêxia, Bêlarút và Áchentina. Đến tháng 7/2010, Trung Quốc cho phép tự do hoá thị trường đồng NDT liên ngân hàng tại Hồng Công, theo đó các thể chế tài chính ở đặc khu hành chính này không bị hạn chế trong việc mở tài khoản bằng đồng NDT cho khách hàng, được tự do chuyển đồng NDT giữa các tài khoản và đưa ra các sản phẩm đầu tư bằng đồng tiền này. Tháng 10/2009, tại thị trường Hồng Công, chính phủ Trung Quốc đã phát hành 6 tỷ NDT trái phiếu quốc tế và ngày 22/11/2009 tiếp tục công bố kế hoạch phát hành thêm 8 tỷ NDT trái phiếu quốc tế nữa.
Tình hình quốc tế cũng có những điều kiện thuận lợi để đồng NDT mở rộng sự hiện diện của mình trên toàn cầu. Do lãi suất của đồng USD gần bằng không nên lãi suất tiền gửi bằng đồng NDT ở nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn. Sự kỳ vọng rằng đồng NDT sẽ tăng giá trong tương lai cũng làm các tổ chức và cá nhân nước ngoài có xu hướng nắm giữ thêm đồng tiền của Trung Quốc. Chính điều này giải thích cho việc tiền gửi bằng đồng NDT ở Hồng Công đã tăng mạnh từ mức 58,2 tỷ trong tháng 9/2009 lên mức 149,3 tỷ trong tháng 9/2010.
Khối lượng giao dịch thương mại được thực hiện bằng đồng NDT trong năm 2010 tăng lên cũng chứng tỏ sự gia tăng nhu cầu của thị trường đối với đồng tiền này. Giá trị các giao dịch thương mại bằng đồng NDT trong tháng 8 và 9 đã vượt mức 50 tỷ NDT, so với mức gần 10 tỷ NDT trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Theo số liệu của HSBC, trong 6 tháng đầu năm 2010, các công ty nước ngoài đồng ý nhận tiền thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu của họ vào Trung Quốc bằng NDT chiếm đến 80-90% tổng các thanh toán thương mại bằng đồng tiền này. Các công ty nhập khẩu hàng từ Trung Quốc không muốn chi trả bằng NDT vì sự khan kiếm đồng tiền này.
Tuy nhiên, EIU cho rằng vẫn còn một số rào cản để đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế. Thị trường trái phiếu bằng đồng tiền này vẫn còn khiêm tốn và thị trường vốn của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn khép kín trong một thời gian dài nữa. Việc nắm giữ đồng NDT chỉ tốt cho mục đích đầu cơ và một số công ty muốn có đồng tiền này trong tay chỉ để thuận tiện hơn trong các giao dịch với Trung Quốc đại lục. Khi nào đồng NDT ở nước ngoài chưa thể quay vòng một cách hiệu quả vào Trung Quốc đại lục thì thị trường của đồng tiền này sẽ vẫn khập khiễng.
Có những thông tin nói rằng Trung Quốc có thể có một chương trình mới thuộc chương trình các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn (QFII) - chương trình đặt ra những hạn ngạch, theo đó các tổ chức được phép sẽ được đầu tư vào thị trường tài chính lục địa, chủ yếu dành cho những người nắm giữ đồng NDT. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang phải cố gắng kiềm chế lượng tiền mặt trong nền kinh tế nội địa hiện nay, nhiều người trong giới hoạch định chính sách nước này cho rằng chương trình mới có thể đưa ra tín hiệu sai lệch và đẩy giá tài sản lên.
Khả năng vào và ra khỏi Trung Quốc của các quỹ tăng lên cũng làm giảm khả năng kiểm soát thị trường đại lục của chính phủ nước này. Điều này khiến chính phủ Trung Quốc thận trọng với các vấn đề thanh khoản. Sự thận trọng này được thể hiện khi tháng 10 vừa qua, Trung Quốc nói rằng hạn ngạch chuyển đổi đồng NDT trong năm 2010 của Ngân hàng Trung Quốc Hồng Công đã hết, buộc Cơ quan tiền tệ Hồng Công phải sử dụng các phương tiện tạm thời để có thể duy trì các giao dịch thương mại với đại lục.
Theo EIU, với việc chính phủ Trung Quốc đang phải tập trung vào kiểm soát tính thanh khoản trên thị trường nội địa và hạn chế việc mua NDT để đầu cơ, động lực thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trong thương mại sẽ giảm đi. Trung Quốc cũng vẫn kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào, mà việc dỡ bỏ các rào cản kiểm soát này sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi việc tự do hoá hơn nữa trong chính sách lãi suất và hối đoái. Do đó, sau những tiến bộ trong đầu năm 2010, tiến trình quốc tế hoá đồng NDT trong những tháng tới sẽ trở nên trầm lắng hơn.
Đình Thư/TTXVN