Có thể khẳng định vaccine là một trong những thành tựu y học vĩ đại của nhân loại và được công nhận là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công nhất trên toàn cầu. Tiêm chủng có thể giúp trẻ nhỏ và người trưởng thành phòng hơn 20 tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Vaccine hiện có thể ngăn ngừa từ 3,5-5 triệu ca tử vong/năm do các bệnh như bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm, sởi. Các chiến dịch tiêm chủng đã giúp thế giới xóa sổ bệnh đậu mùa và gần như miễn nhiễm với bệnh bại liệt, cũng như đảm bảo trẻ em phát triển khỏe mạnh. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của vaccine trong việc tạo miễn dịch cộng đồng, khiến số ca mắc và tử vong giảm rõ rệt.
Vaccine không chỉ là “lá chắn” đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh ở mỗi cá nhân, mà còn ngăn virus/vi khuẩn lây lan trong cộng đồng. Khi đa số người dân được tiêm phòng bệnh, sẽ giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, góp phần bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương không thể tiêm vaccine vì yếu tố tuổi tác hay các bệnh lý khác.
Các chương trình tiêm chủng còn đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể nhờ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, cũng như chi phí điều trị bệnh và đảm bảo năng suất lao động do không bị ốm đau. Đầu tư cho tiêm chủng đem lại lợi ích to lớn khi cải thiện sức khỏe và giảm gánh nặng bệnh tật. Hoạt động tiêm chủng là một thành tố quan trọng của an ninh y tế toàn cầu, bởi giúp các nước tăng khả năng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh và đại dịch.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm vaccine những năm gần đây có chiều hướng giảm, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Thống kê cho thấy trong thời gian đại dịch, 67 triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi vaccine cần thiết để phòng những căn bệnh có thể gây tử vong hoặc tàn tật, trong đó châu Phi là 31 triệu trẻ và châu Á là 23 triệu trẻ. Năm 2022 có thêm khoảng 4 triệu trẻ em được tiêm vaccine trên thế giới so với năm 2021, nhưng vẫn có 20 triệu em bỏ lỡ một hoặc nhiều mũi vaccine định kỳ và có tới 14 triệu trẻ không được tiêm bất kỳ mũi vaccine nào. Cũng năm 2022, gần 33 triệu trẻ em đã mắc sởi và khoảng 136.000 người, đa phần là trẻ em, đã tử vong vì căn bệnh này. Xung đột gia tăng, kinh tế sụt giảm, tâm lý do dự tiêm vaccine tăng là những yếu tố đe dọa công tác tiêm phòng cho trẻ em. Hậu quả là thế giới đang chứng kiến các bệnh tưởng chừng đã được kiểm soát, như bệnh bạch hầu và bệnh sởi, bất ngờ bùng phát trở lại. Dù tỷ lệ tiêm vaccine cao với 80% số trẻ em đã được tiêm phòng, nhưng các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề này.
Tháng 9 năm ngoái, trong khuôn khổ Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã thúc đẩy sáng kiến tổ chức tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng. Chính sách và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người được tiếp cận vaccine, tiêm chủng là yếu tố quyết định đưa Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 gần 100%, là một trong những nước đạt tỷ lệ cao nhất trên thế giới, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ sinh mạng của người dân, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch. Quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho tầm quan trọng của tiêm chủng và của vaccine trong việc giảm thiểu bất bình đẳng về y tế, cải thiện kết quả giáo dục và việc thụ hưởng các quyền khác của con người.
Năm nay, Tuần lễ Tiêm chủng thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động diễn ra từ ngày 24-30/4 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, qua đó kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và chính phủ đoàn kết để thúc đẩy việc sử dụng vaccine rộng rãi, bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Với chủ đề "Humanly Possible" (tạm dịch “Con người có thể”), chiến dịch đưa ra một thông điệp khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng giúp mọi người được hưởng lợi từ “sức mạnh” bảo vệ của vaccine.
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Khi bắt đầu thực hiện năm 1974, công tác tiêm chủng mở rộng chú trọng phòng 6 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em, tới nay số vaccine phổ biến được khuyến cáo tiêm tăng lên 13 trong khi 17 vaccine được lưu ý tiêm tùy theo từng trường hợp.
WHO đang phối hợp với chính phủ các nước và đối tác nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu, trong đó có Kế hoạch Tiêm chủng toàn cầu đến năm 2030 (IA2030), coi tiêm chủng là yếu tố đóng góp chủ chốt vào quyền cơ bản của con người. Bảo đảm tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi lứa tuổi, được tiêm chủng, cũng chính là bảo đảm quyền con người được hưởng một tiêu chuẩn sức khỏe về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể, chính là đầu tư vào tương lai, tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh hơn, thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.