Rào cản nội bộ của ông Obama trong vấn đề Iran

Khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) bước vào vòng đàm phán tại Geneva sau 6 tháng bị trì hoãn, nhiều người đã hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và chính quyền Iran có thể trở thành một đối tác của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất của Tổng thống Mỹ Obama không xuất phát từ đối thủ, mà là từ nội bộ và đồng minh.

Tổng thống Mỹ Obama (phải) và Tổng thống Iran Rowhani. Ảnh: Reuters.


Trở ngại lớn nhất chính là thái độ của Quốc hội Mỹ về vấn đề Iran. Các hạ nghị sỹ Mỹ vẫn rất hoài nghi về chính sách của Chính phủ Iran. Gần đây, họ còn thông qua những biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa lệnh cấm vận dầu lửa đối với quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ cũng phát đi tín hiệu rõ ràng rằng nếu Nhà Trắng không đạt được bất cứ tiến triển nào vào cuối tháng 10 này, thì họ sẽ thảo luận một dự luật trừng phạt mới.

Một số nhà lập pháp cao cấp khác thậm chí còn đưa ra biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn. Chủ tịch đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã gửi một thư riêng, kêu gọi Tổng thống Obama thương lượng "một cách thận trọng tối đa". Ông này cho rằng Washington nên áp dụng biện pháp trừng phạt mới để gây sức ép mạnh hơn đối với Iran.

Bob Corker, thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng thúc giục Tổng thống Obama kiên định. "Quốc hội có thể đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt đối với Iran trước khi nới lỏng các biện pháp trừng phạt", ông nói.

Ngoài ra, các nghị sĩ Mỹ cũng khẳng định rằng "một mối đe dọa quân sự thực sự" vẫn đang được cân nhắc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện nay phải được duy trì mạnh mẽ. Thách thức đang đặt ra đối với Chính phủ của Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngân sách liên bang khiến mâu thuẫn giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày càng sâu sắc.

Trở ngại tiếp theo đối với chính quyền Mỹ đó là phản ứng của đồng minh. Trong bối cảnh các bên sẵn sàng gặp gỡ tại Geneva để tiến hành đàm phán trong 2 ngày, kể từ ngày 15/10, Thủ tướng Israel đã cố tìm cách đưa ra thông điệp rằng bất cứ động thái nào nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đều đồng nghĩa với việc trao chiến thắng vào tay những nhân vật theo đường lối cứng rắn ở Teheran.

Theo ông Netanyahu, chính các biện pháp trừng phạt đã đưa nền kinh tế Iran "tới gần điểm nguy kịch", buộc Iran phải có sự thay đổi chiến lược trong các kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Netanyahu cảnh báo rằng việc chấp nhận một thỏa thuận như vậy có thể đem tới "sự thất bại hoàn toàn của cơ chế trừng phạt". Theo ông, bất kỳ động thái nào nhằm hòa hoãn với Iran cũng sẽ chỉ càng làm gia tăng "các yếu tố không thỏa hiệp" của nước này, và vị lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei "sẽ được coi là người chiến thắng".


Chuyên gia cao cấp về Trung Đông Evgeni Primakov nhận định lập trường của Israel sẽ là vấn đề lớn trong tiến trình giải quyết chương trình hạt nhân Iran. Israel có ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ trong việc ép buộc Iran dừng các chương trình hạt nhân hoặc làm cho quá trình đàm phán giữa Iran và phương Tây gặp trở ngại. Ngay cả khi không còn đồng minh hậu thuẫn, Israel vẫn có thể đơn phương tấn công Iran, và đây thực sự là điều nguy hiểm cho các nỗ lực của quốc tế giải quyết vấn đề Iran bằng biện pháp hòa bình.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng cả Mỹ và Iran đều mong muốn thúc đẩy đàm phán hạt nhân vì lợi ích của mỗi bên. Đó chắc chắn là thời điểm quan trọng để mở ra cơ hội mới giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay của Iran. Tổng thống Obama cũng đã thừa nhận rằng có sự nguy hiểm về một cuộc xung đột sắc tộc toàn diện ở khu vực Trung Đông. Nếu ngoại giao không thành công với Iran, ông Obama có thể trở thành một vị tổng thống khai mào cho một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông (ở Iran và Syria), thay vì là người kết thúc hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq.


Vũ Thanh (tổng hợp)
Hy vọng gì tại đàm phán Iran và P5+1?
Hy vọng gì tại đàm phán Iran và P5+1?

Sau thời gian dài trì hoãn, đàm phán giữa Iran với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (gọi tắt là Nhóm P5+1) về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ chính thức được nối lại, với cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN