Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngày 4/11 (giờ VN) đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này, một động thái mạnh mẽ song đầy rủi ro nhằm duy trì sự phục hồi mong manh, đồng thời giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cao. FOMC cho biết FED sẽ mua các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ với tỷ lệ khoảng 75 tỷ USD/tháng - một qui mô chưa từng thấy kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế 2008-2009 lên tới đỉnh điểm. Thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch này là cuối quý II/2011. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục từ 0 - 0,25% nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế.
Mặc dù FED đã có những biện pháp tương tự trong giai đoạn khủng hoảng, song động thái tăng lượng tiền bơm vào nền kinh tế là chưa từng có và chúng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Nhiều nhà phân tích và cả những người ủng hộ chính sách trên cho rằng, chính sách bơm tiền "khủng" này có thể phản tác dụng, dẫn đến hai hậu quả tai hại sau:
Thứ nhất, chiến lược của FED có thể khiến đồng USD đã yếu lại càng yếu hơn. Tại sao? Đơn giản là một quốc gia khi cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của mình trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng USD giảm giá có thể giúp ích cho các công ty như Ford bán tài sản ở nước ngoài. Chẳng hạn như khi đồng USD mất giá so với đồng euro, Ford sẽ "đút túi" được nhiều hơn khi bán ô tô ở châu Âu. Tuy nhiên, đồng USD yếu lại gây khốn đốn cho người dân Mỹ vì bất kỳ thứ nào được sản xuất ở nước khác cũng trở nên đắt đỏ hơn, chẳng hạn như cam nhập từ Tây Ban Nha hay đồ chơi nhập từ Trung Quốc. "Hãy nhìn ra xung quanh", Thomas Atteberry, Giám đốc phụ trách quỹ thuộc công ty First Pacific Advisors, nói: "Chúng ta tìm được bao nhiêu thứ sản xuất tại Mỹ?".
Thứ hai, động thái của chính sách này có thể "thổi" ra các bong bóng vì các nhà đầu cơ khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn sẽ đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu, hàng hóa và các thị trường hải ngoại khác, và kết quả là có thể đẩy giá những tài sản này lên quá cao.
Việc FED mua vào hàng đống trái phiếu Bộ Tài chính khiến lãi suất cho vay hạ song cũng khiến người ta chuyển sang các loại hình đầu tư khác sinh lời nhiều hơn nhưng lại nhiều rủi ro hơn. Chẳng hạn như giá cổ phiếu tăng khiến tất cả những người chơi cổ phiếu có cảm giác giàu có hơn, dẫn đến thứ mà các nhà kinh tế gọi là "hiệu ứng giàu có" (người dân cảm giác giàu hơn nên tiêu nhiều hơn). Lãi suất thấp và thị trường sôi động là môi trường "lý tưởng" để các bong bóng ra đời và cuối cùng thì nổ tung. "Nỗ lực cứu nền kinh tế hóa ra lại sản sinh những bong bóng khác còn nguy hiểm hơn", theo nhận định của Grantham, người từng cảnh báo về tình trạng giá bất động sản và cổ phiếu tăng vọt ở Nhật Bản những năm 1980, cổ phiếu Internet phi mã những năm 1990 và thị trường bất động sản tăng mạnh trong những năm 2000.
Cổ phiếu tại các nước đang phát triển là "ứng cử viên" tiềm tàng cho bong bóng tiếp theo. Kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính, tiền mặt từ châu Âu và Mỹ đã tràn vào các thị trường mới nổi như Braxin và Chilê, phần lớn là vì những nước này có nợ nần ít hơn và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với thế giới phát triển.
Một vấn đề khác là các quỹ đầu cơ khi được hưởng lãi suất thấp sẽ tích cực đầu tư - vay tiền trả lãi 2% để mua chứng khoán có lãi suất 10%. Họ bán chứng khoán, trả tiền cho ngân hàng và đút túi phần còn lại. Chừng nào lãi suất còn thấp, các nhà đầu cơ còn vay tiền với số lượng lớn. Nhưng khi tình hình đảo chiều, những thua lỗ của các quỹ đầu cơ và những con nợ khác có thể đẩy các ngân hàng vào nguy cơ phá sản và để mặc chính phủ giải quyết hậu quả. Do đó, chiến lược này chỉ phát huy hiệu quả chừng nào đầu tư tiếp tục tăng; khi bong bóng nổ, nền kinh tế có thể bị tàn phá.
Nợ lãi suất thấp cũng là "nhiên liệu" cho bong bóng bất động sản, cho phép người mua nhà vay tiền nhiều hơn với hy vọng sẽ có ai đó mua nhà với giá cao hơn. Theo Grantham, giải pháp trên của FED giống như là "thay bong bóng này bằng bong bóng" khác.
TTK (Theo AP)